Nói về một loài hoa đặc trưng của Đà Lạt, người ta hay nói đến dã quỳ. Nhưng dã quỳ không chỉ riêng ở Đà Lạt mà hình như có mặt khắp Tây Nguyên. Từ Kon Tum đến Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông... nơi nào cũng có chứ đâu riêng gì Đà Lạt - Lâm Đồng! Còn Mai Anh Đào là một loài hoa của Đà Lạt và chỉ có ở Đà Lạt, nhưng Mai Anh Đào nở hoa vào cuối tháng 12, và đến Tết dương lịch là hết. Chỉ có một loại hoa duy nhất, tập trung ở thành phố Đà Lạt (không địa phương nào có), nở từ cuối mùa đông năm này sang đến mùa xuân năm sau, tạo nên một nét riêng cho Đà Lạt là Mimosa. Cho nên gọi Mimosa là loài hoa mùa xuân của Đà Lạt quả không sai!
Mimosa là một loài cây thân gỗ. Cây Mimosa 10 năm tuổi có thể tạo nên một tán lá, rộng cả 10 mét. Mỗi cành Mimosa đều chi chít những nhánh nhỏ, lá kép hình ô-van, dài khoảng 2cm, mặt dưới của lá có mầu trắng bạc như phủ một lớp phấn trắng... Vào mùa mưa, những cây Mimosa đến mùa sung mãn, cây nào cũng cành lá sum xê. Đến tháng 11, khi mùa mưa cao nguyên ngớt dần, hoa đã lấm tấm đầy cành, rồi nở rộ cho đến hết mùa xuân...
Hoa Mimosa mầu vàng, có hàng trăm cánh nhỏ li ti như sợi chỉ, tròn tựa Bồ Công Anh. Mimosa nở thành chùm, nhiều chùm trên một cành... Những lúc cao điểm, Mimosa nở đầy cành, trông vào chỉ thấy một màu vàng-Mimosa, gần như không thấy lá... Đó là lúc người ta không muốn cũng phải nhìn thấy và giật mình, chợt nghĩ ra: Đà Lạt có Mimosa!
Trong một bộ phim tài liệu, Truyền hình Việt Nam đã giới thiệu đất nước Hunggarie với những đồi hoa Mimosa vàng rực. Mimosa được khai thác, vận chuyển bằng cơ giới về những trung tâm cắt tỉa, đóng gói vào những bao bì carton dài hơn mét và xuất đi các nước, khắp Châu Âu. Thì ra, họ đã qui hoạch thành những vùng chuyên canh Mimosa, gieo trồng, chăm bón, khai thác... theo một qui trình nghiêm ngặt để Mimosa trở thành một loại hoa hàng hóa giá trị. Nhìn thấy cảnh hằng trăm công nhân thu hoạch, cắt tỉa, đóng gói hoa và một lúc xuất đi hàng chục container, bỗng thấy chạnh lòng nghĩ đến Mimosa Đà Lạt!
Người ta gặp nhau, chỉ hỏi thăm về hoa hồng, hoa lan, hoa cúc...là những loại hoa có giá trị kinh tế, chứ chẳng ai hỏi đến Mimosa ! Cho nên, có thể nói Cây Mimosa Đà Lạt bị xem như là một loại cây thứ cấp, không có giá trị kinh tế nên không ai chủ ý trồng Mimosa, trừ khi có một chút đất trống góc vườn, dọc hàng rào, có Mimosa cũng được, không có cũng xong! Không phải là tất cả đều vô tình trước Mimosa, Tôi đã gặp vài người cố tình trồng Mimosa trong vườn mình và hãnh diện về cái đẹp của loài hoa này.
"Mimosa có thân mảnh, cành nhiều nhưng rễ rất yếu, cho nên trồng Mimosa không cách nào hơn là phải ươm bằng hạt để bộ rễ phát triển đầy đủ nhất. Mimosa còn non ta phải biết cắt, chiết bớt cành, giảm độ cao để không bị gió mùa mưa đánh bật gốc..." Đó là phát biểu của một nghệ nhân già, một người Đà Lạt gốc, cựu học sinh Trần Hưng Đạo - Đà Lạt, học Đại học Sư phạm Sài Gòn từ năm 1962 của thế kỷ trước, sau đó dạy học ở Đà Lạt cho đến ngày nghỉ hưu... Sở dĩ ông nói về kỹ thuật trồng Mimosa như trên là do một sự ngẫu nhiên, cây Mimosa vườn nhà bạn mọc cao quá, ông phải cắt ngắn để khỏi chạm vào dây điện...Kết quả, bạn ông có một cây Mimosa đẹp như bonsai, không cao nhưng tán rộng, đến mùa hoa nở rộ, đẹp như một loại "kỳ hoa". Ông cũng phê phán việc trồng Mimosa trên thế đất nghiêng đứng của ta-luy vì rễ sẽ không "cõng" được tán cây, sẽ đổ!
"Mimosa từ đâu em tới...?", Du khách đã từng bị mê hoặc vì Mimosa, huống chi người Đà Lạt vì lẽ Đà Lạt là nơi duy nhất trên đất nước này có Mimosa và Mimosa chỉ chịu "kết duyên" cùng Đà Lạt mà thôi... Thực ra, ở Đà Lạt còn có nhiều người thích Mimosa, không phải vì giá trị kinh tế, không phải vì hương sắc quyến rũ của nó mà vì họ yêu một mùi hương thanh khiết nhẹ như không, một nhan sắc mộc mạc rất Đà Lạt. Đến nỗi họ sẵn sàng mang cái vốn hiểu biết riêng của mình, gieo trồng, chăm sóc không cần thù lao, nếu nhà nước muốn trồng những "đồi Mimosa" tập trung.
Dù người nhớ, dù người quên, Mimosa vẫn là hoa của Đà Lạt, một chi tiết của Đà Lạt. Mỗi mùa xuân, du khách còn tìm đến để có những tấm hình đứng cạnh Mimosa, như một ghi nhớ: Ta đã đến Đà Lạt mùa xuân này!
Comments