Hồng rớt giá khiến người dân nơi đây lao đao. Ảnh G.B
Ông Đinh Việt Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn D’Ran, cho biết: “Hiện có khoảng 2.000 hộ trồng hồng với khoảng 1.000 ha, sản lượng bình quân 5.000 tấn/năm. Hằng năm, mùa hồng kéo dài từ tháng 9 dương lịch đến giáp Tết Nguyên đán. Vào đầu vụ năm nay, giá hồng ở ngưỡng khá cao nhưng bỗng dưng có tin đồn thất thiệt là hồng ngâm hóa chất, hồng Trung Quốc (TQ)… đã làm giá hồng giảm mạnh khiến nhiều nông dân và chủ vựa lo lắng”.
Bà Bùi Thị Châu (49 tuổi), chủ vựa hồng ở thôn Phú Thuận 2, khẳng định: “Không có chuyện hồng ngâm hóa chất, chẳng qua trong quá trình sử dụng người dân dùng máy đánh bóng tự chế để làm cho trái hồng bóng đẹp, người ta thấy đẹp vậy rồi phao tin là dùng hóa chất”.
Cũng theo vợ chồng bà Châu, do tin đồn thất thiệt nên giá hồng chỉ còn 6.000 – 7.000 đồng/kg so với đầu vụ là 12.000 – 13.000 đồng/kg, nhưng tiêu thụ rất chậm. Trong khi đó, ông Đào Duy Quang (48 tuổi, thôn Phú Thuận 1) có 21 năm gắn bó với cây hồng bức xúc: “Gia đình tôi có 6 ha hồng từ 15 đến hơn 20 năm tuổi, bình quân mỗi năm thu được 30 tấn, thu nhập cũng khá. Năm nay tự dưng do tin đồn hồng ngâm hóa chất khiến gia đình tôi mất hết khoảng nửa thu nhập”.
Vườn hồng trĩu quả của gia đình ông Bùi Văn Quý
Do sử dụng bao bì Trung Quốc
Theo tìm hiểu của PV, việc tin đồn hồng Đà Lạt là hồng TQ, ngoài mẫu mã trái hồng gần giống nhau, còn do bà con dùng thùng có ghi chữ TQ, Đài Loan, Thái Lan để đóng gói hồng đưa đi tiêu thụ nên dễ bị hiểu nhầm. Ông Bùi Văn Quý (53 tuổi, chủ một vựa hồng) cho hay gia đình ông không thể dùng thùng có xuất xứ từ VN mà phải dùng thùng có xuất xứ từ nước ngoài (TQ, Thái Lan), vì: “Thùng cùng loại của nước ngoài có giá rẻ hơn thùng VN 4.000 đồng/thùng, đồng thời chất lượng hơn gấp mấy lần so với thùng VN. Thùng của họ rất chắc, dùng được nhiều lần, trong khi thùng VN chỉ ấn nhẹ tay đã lún vào rồi và thùng này gặp nước chút là hỏng luôn. Mỗi năm nhà tôi dùng cả 10.000 thùng như vậy, các chợ đầu mối cũng yêu cầu đóng thùng này, tính ra vừa chắc lại vừa rẻ nên gia đình tôi dùng”.
Ông Đặng Trung, cán bộ phụ trách nông nghiệp của UBND thị trấn D’Ran, cho biết ở địa phương có trên dưới 70 vựa lớn nhỏ thu mua hồng và hầu hết họ đều sử dụng thùng có xuất xứ từ nước ngoài để đóng gói. Theo ông Đinh Việt Dũng, trước tình hình trên, địa phương đã thông qua nhiều kênh để phản bác lại những tin đồn thất thiệt và thực hiện miễn thuế môn bài, thuế GTGT cho các thương lái để tạo điều kiện cho họ thu mua hồng. “Về lâu dài, chúng tôi đang tiến hành xây dựng thương hiệu cho hồng D’Ran; đồng thời làm việc với cơ quan cấp trên hỗ trợ tìm nơi sản xuất thùng giấy tốt đặt hàng cho bà con để tránh phải dùng thùng có xuất xứ nước ngoài”, ông Dũng nói.
Hồng được đóng giỏ chuẩn bị lau chùi ở một vượn hồng tại thị trấn D'ran.
Thu hoạch trái hồng tại nhà anh Quý
Trái hồng được vựa thu mua về
Chắm sóc tốt nên có những loại hồng chỉ 5 trái là được một ký.
Phân loại trái hồng
Dùng máy tự chê lau chùi cho hồng bóng đẹp
Máy tự chế lau chùi hồng
Hầu hết các thung giấy đóng hồng ở đây đều có nguồn gốc từ Trung Quốc
Hầu hết người trồng hồng ở đây đều lâm canh khốn khổ vì hồng rớt giá
Theo Gia Bình - Thanhnien.com.vn
___________________________________________________________________________________________
Comments