Phở Bằng thay một lời phân lưu


Sau giải phóng, một lần Cảnh về Đà Lạt và ghé nhà tôi ở đường Đào Duy Từ chơi. Hắn rủ tôi đi ăn phở và hắn muốn ăn phở Bằng. Tôi nói bây giờ có nhiều tiệm phở khác ngon hơn, nhưng hắn một mực đòi ăn cho được phở Bằng.

Tôi  biết trong tâm trí hắn vẫn còn hình ảnh ông chủ tiệm thấp lùn, lúc nào cũng mày râu nhẵn nhụi, mái đầu tóc hoa râm luôn dính liền với chiếc mũ feutre, ngay cả lúc đang đứng múc phở ra tô. Chắc hắn vẫn chưa quên cái phong thái nhàn nhã của ông, không vội dù khách đông, không bực dù có ai đổi phở, lúc nào cũng chậm rãi, chăm sóc từng tô phở trước khi nó đên tay  thực khách. Người khách nào vào tiệm ông cũng có cảm tưởng được ông chủ dành cho sự chăm chút chu đáo. Ngoài cái cung cách điềm đạm, vui vẻ, và sự sạch sẽ tuyệt đối còn có chất lượng tô phở thơm phức. Thực khách ở đây cũng tạo nên một khung cảnh đặc trưng của tiệm ông: không ai to tiếng, không ai dời ghế chỗ này qua chỗ khác, không ai đi lại ồn ào. Tất cả đều ăn mặc lịch sự như cái lịch sự hằng ngày trong thành phố nhỏ rất Tây này. Tất cả như đã lập trình để tạo nên một hình ảnh đẹp đẻ của  một góc Da lat mà không cần nhiều khoa trương hay màu sắc chói chang.

Thông thường, tâm trí con người, nhất là lớp người mới lớn còn trong tuổi thanh xuân,  dễ dàng ghi nhận một hình ảnh, âm thanh  “hay hay” nào đó, ở một thời điểm nào đó, trong một không gian nào đó. Và hình ảnh, âm thanh ấy ngủ quên trong ký ức rất lâu, nhiều năm,  cho đến một hôm, bỗng nó bị đánh thức và người ta chợt cảm thấy vô cùng lưu luyến những kỹ niệm xưa và có cái gì rất lạ trong lòng thôi thúc bạn  phải tìm gặp lại những thứ ấy. Bạn Cảnh của tôi là một con người như vậy.

Sau 75, ở miền Nam mọi thứ đều thay đổi: tiệm phở Bằng đã thay đổi địa điểm, cung cách phục vụ đã khác, thực khách bây giờ phần đông là những con người hoàn toàn xa lạ, mạnh ai nấy ăn cho xong rồi đi.


Khi tôi đưa bạn Cảnh đến đây, ngay từ ngoài cửa, mắt tôi đã thấy ngay điều mà tôi muốn tránh: dưới chân bàn, giữa lối đi,  những cục giấy vệ sinh vung vãi khắp nơi, trông mà nhợn. Bên cạnh những người đang yên lặng ngồi ăn, những người khác kẻ thì dùng giấy lau đủa, lau miệng, kẻ thì xé giấy lau mặt  bàn còn loáng mỡ hay lau ghế ngồi bị bẩn, thậm chí có người hỉ mũi rồi vứt xuống đất. Một cái sàn nhà đầy giấy trắng chẳng khác một nhà vệ sinh công cộng giữa phố.

 Sau khi đậu Bacc II, Cảnh qua Thụy Sĩ học và lập gia đình bên đó. Tôi ngại đưa bạn đến đây vì sợ cảnh nhếch nhác trong tiệm nầy. Nhưng Cảnh làm như không thấy gì, vẫn bình thản bước vào, đạp lên đống giấy bẩn  mà đi. Hắn kéo ghế, gọi phở ngồi ăn tỉnh queo. Hắn cũng chẳng thấy sự khó chịu của tôi. Tối hôm đó, Cảnh mời tôi đi ăn tối ở nhà hàng cơm niêu cạnh hồ Xuân Hương. Hắn đem chuyện đi ăn phở Bằng ra khoe với vợ. Chị Hạnh hỏi: Phở bây giờ có còn hương vị ngày xưa không?

Cảnh nói: Chắc hẳn là không bằng ngày xưa. Hồi xưa ông chủ đích thân nấu phở;  miếng thịt bò bây giờ không mềm như miếng thịt bò hồi đó; nước phở bây giờ  cũng không ngọt bằng nước phở ngày xưa. Trong quán hồi đó toàn người Dalat nên ai cũng quen, ngồi vào bàn nào cũng có người trò chuyện, tự nhiên ăn thấy ngon miệng.

     Tôi hỏi: Vậy là chuyến này về Dalat ông toại nguyện rồi chứ gì?

     Cảnh cười nhẹ: Đúng vậy. Lần nầy mình chỉ muốn về Dalat dể ăn một tô phở Bằng. Và sáng nay mình đã làm được điều đó.

     Tôi ngạc nhiên không nghe thấy dù chỉ một câu than phiền rất nhẹ.


 Tôi chợt nhớ chuyện một người Việt xa quê hương nhiều năm. Trong tâm trí anh lúc nào cũng mơ ước một ngày trở về quê nhà. Và ngày đó đã đến.Việc đầu tiên anh định làm sau khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất là kêu taxi chạy ngay ra trung tâm thành phố, vào tiệm, kêu một ly trà đá, ngã lưng ngồi ngắm nhìn xe cộ ngoài đường. Chỉ vậy thôi.

 Ngày còn học Lycée Yersin, hai đứa tôi chơi thân nhau vì nhiều lý do: Học cùng lớp, có cùng sở thích. Không nhớ rõ hồi ấy học lớp mấy, một hôm hai đứa nháy nhau xin ra ngoài và xuống dưới nhà để xe. Phần đông học trò đi xe đạp hoặc đi bộ. Xe đạp thì móc vào vách, lại không có nhiều xe gắn máy nên nhà chơi rất rộng. Hôm ấy ngoài hai đứa tôi còn có vài đứa khác nữa, kể cả con của lão suyệt-gê. Bọn tôi quen gọi tổng giám thị (surveillant gereral) như thế. Cũng như hai đứa tôi, bọn nó thường lấy cớ xin ra ngoài đi toa-lét để xuống  đây hút thuốc. Những năm 50, Dalat ít người, thời tiết thường rất lạnh nên đàn ông hầu như ai cũng hút thuốc. Ngoài Melia vàng rất nặng, Bastos xanh, Bastos đỏ là hai nhãn hiệu thông dụng của người Dalat sành điệu. Nó đậm đà không thua gì thuốc Gaulois của Pháp. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, điếu Bastos trên môi sẽ chia sẽ bớt cái lạnh và nỗi cô đơn dù bạn lang thang qua những góc phố ướt át, những con đường vắng tênh, hay ngồi thu mình trong góc quán cà phê Tùng, hay trầm ngâm với quyển livre de poche trên tay.  Không những người nghèo hút Bastos mà cả những đại gia như ông Lưu Hội ký, ông Đức Xương Long, ông Võ quang Tiềm cũng rít Bastos. Hình ảnh một chàng trai, hai tay thọc sâu vào túi par-dessus, đầu để trần, lầm lũi đi dưới mưa, phì phèo điếu thuốc lá trên môi trông thật là lãng mạn. Bắt chước người lớn, chúng bắt đầu tập hút thuốc.

 Cảnh lấy điếu thuốc trong túi ra, vuốt cho thẳng rồi châm lữa thằng đứng bên cạnh, hít một hơi rồi đưa qua cho tôi. Mới tập tểnh với khói thuốc nên có thằng ho lộn ruột, ói ra mật xanh mật vàng; có thằng mặt mày tái xanh, chóng mặt, hai chân run lẫy bẫy, đứng không vững, phải ngồi bệt xuống đất. Thình lình lão Suyệt-gê ở đâu hiện ra. Cả bọn vội vàng tìm đường biến đi cho thật nhanh. Có đứa đi loạng choạng như người say rượu.


Khi được tin Cảnh đã ra đi, nhiều cảm xúc lẫn lộn choáng ngộp tim tôi. Mới hôm nào cùng nhau  đẩy xe đạp lên dốc Địa Dư, đứng trước cổng trường chờ anh concierge  xi-cà-que tới giờ mở cổng, hoặc cùng ngồi ở pre’au ngắm các người đẹp học lớp chiều  từ cái xe bus ngoài sân bước ra và  diễn hành ngang qua trước mặt, bọn con trai  như làm giám khảo một cuộc thi hoa hậu, dành em này của tao, em kia cho mày…Rồi bây giờ ở tuổi gần đất xa trời, mỗi ngày đếm lại bạn bè, tôi không khỏi ngậm ngùi trước những mất mát diễn ra từng ngày, như thể mọi người đều phải đi đến cuối con đường số phận.

 Ước gì giờ nầy tôi được đặt tay lên áo quan của bạn, thắp cho bạn một cây nhang và cầu nguyện cho bạn an vui nơi cõi vĩnh hằng. Nhưng trong nỗi tiếc thương vô hạn, tôi muốn bạn nghe tôi âm thầm tiếc nuối: “Rồi đây còn ai nhắc tên  những quán phở Bằng Đa lạt một thời xa xưa?”


Cầu Đất (www.dalatdauyeu.org)

(Saigon 04.7. 2012)

Đà Lạt Trong Tôi
Phở Bằng thay một lời phân lưu Phở Bằng thay một lời phân lưu Phở Bằng thay một lời phân lưu Phở Bằng thay một lời phân lưu
9/10 986 bình chọn

Comments