Người Chill ở rải rác quanh Đà Lạt, Tà Nung, Đức Trọng. Chill có tập quán du canh, du cư, phát rừng, làm rẫy. Lạch có nghĩa là đồi cỏ, là rừng thưa hay trảng cỏ.
Hai bộ tộc Lạch, Chill thuộc dân tộc K'Ho có quan hệ gần gũi về chủng tộc và văn hóa nên họ có những tập tục giống nhau:
- Về lịch sử, họ có một vị anh hùng là tù trưởng Yagut đã từng lãnh đạo các bộ tộc chống ngoại xâm.
- “Bon” (buôn làng) là đơn vị cư trú của người Chill, Lạch. Mỗi bon gồm khoảng bốn hay năm nhà dài. Mỗi nhà dài là một đại gia đình huyết tộc gồm có nhiều “bếp”. Mỗi gia đình có một bếp để nấu nướng sinh hoạt quanh ánh lửa. Dưới sàn nhà, họ nuôi trâu, heo, gà... Ngựa được nhốt trong chuồng kín để tránh cọp thỉnh thoảng đi kiếm mồi. Mái nhà lợp một lớp tranh dày. Trên trần nhà, người Lạch cất thóc, bắp, dây mây, thịt trâu, heo, nai xông khói. Hạt giống được cất giữ trong những chiếc giỏ bằng mây.
- Buôn làng là đơn vị hành chính quan trọng nhất. Người có quyền lực cao nhất trong buôn là trưởng buôn hay chủ làng. Ngoài ra còn có một hội đồng già làng gồm chủ nhà và tộc trưởng họp với sự tham gia của trưởng buôn để giải quyết những trường hợp nghiêm trọng.
- Người Chill và Lạch theo chế độ mẫu hệ và một vợ, một chồng. Họ cũng được phép đa thê nhưng rất hiếm, chỉ xảy ra trong các gia đình giàu có hay trưởng buôn. Hôn nhân giữa các thành viên trong cùng một dòng họ bị coi là loạn luân và cấm triệt để. Con gái lớn lên phải đi cưới chồng. Trong lễ cưới, nhà gái phải nộp một số tài sản cho nhà trai để “bắt” chồng. Sau đó, chú rể ở lại lao động trong nhà cô dâu.
- Đại gia đình người Lạch rất thương yêu, chăm sóc trẻ em. Con gái được chuộng hơn con trai vì nhờ con gái về sau sẽ có thêm chàng rể, tăng thêm người lao động trong gia đình. Trẻ em được giáo dục về sự đối xử với cha mẹ, các thành viên trong gia đình và phong tục buôn làng, chuẩn bị cho các em trở thành người lớn. Con trai được dạy về nghề nông, săn bắn, bắt cá, trong khi con gái học những công việc hằng ngày của người phụ nữ như nấu ăn, dệt thổ cẩm và chăm sóc các em nhỏ.
- Về y phục, trước kia đàn ông đóng khố, phụ nữ chỉ mặc độc nhất chiếc “sa rông” là một loại váy làm bằng một mảnh vải quấn ngang thắt lưng. Thân thể họ nâu sậm, đầy sinh lực vì thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nắng gió, với thiên nhiên. Chỉ những lúc trời thật lạnh họ mới cần đến một tấm chăn khoác.
- Cà răng, căng tai: dùng vật cứng để cà răng cho mòn đi. Họ không dùng đũa nhưng ăn bốc và hay hút thuốc lá trong ống điếu. Họ căng trái tai thật to ra. Lỗ tai người phụ nữ đeo vòng bằng ngà voi hay thiếc lớn dần theo năm tháng, có khi nặng đến 500 gam. Đến khi nào răng mòn hay tai đứt, họ làm lễ ăn mừng. Họ cho đó là vẻ đẹp của người dân tộc trước kia, nay chỉ còn lại ở những người già. Trang sức gồm những vòng đồng, chuỗi cườm, móng vuốt dã thú.
- Chiêng, ché, cườm... là những tài sản quý giá, biểu hiện cho sự giàu có và hùng mạnh. Dụng cụ lao động gồm có: chiếc xà gạc, một nông cụ hữu hiệu để phát rẫy, luôn đeo bên mình, chiếc gậy này dùng để chọc lỗ gieo hạt; cung nỏ để săn bắn; và chiếc gùi ở sau lưng.
- Người Lạch rất trung thực, chất phác, giữ lời hứa, dũng cảm và hiếu khách. Khi khách đến làng, họ mang chuối, cơm, gà, trứng... đãi khách. Trưởng buôn đem ra một ché rượu, cắm một chiếc cần và mời khách uống. Chiếc cần được chuyền cho từ người này đến người khác. Trưởng buôn đôi lúc đổ thêm nước vào ché rượu, rượu ngày càng nhạt dần.
- Tuy y học còn thô sơ nhưng người Lạch biết sử dụng cây thuốc để chữa bệnh. Trong một số trường hợp, họ phải cúng bái. Họ đối xử tàn tệ với những người bị nghi là “ó ma lai”. Người dân thiểu số tin rằng ó ma lai là người có thể rút đầu ra khỏi mình bay đi ăn phân người vào ban đêm. Người nào bị ó ma lai ăn phân sẽ bị rút mất ruột mà chết. Thầy phù thủy, thầy cúng chuyên việc cúng bái lên đồng, phù chú chữa bệnh, đoán xem vận mạng. Họ được tham gia các vụ phân xử và tranh chấp trong bon.
- Già làng: một số người trên 60 tuổi có uy tín, đức độ, và hiểu biết được bon gọi là già làng. Họ là lớp người tinh hoa bộ tộc bởi tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống, sản xuất. Già làng thường được mời đóng góp ý kiến về mọi việc quan trọng của buôn làng.
- Họ thờ nhiều thần, nhất là thần lúa. Lễ đâm trâu được tổ chức linh đình để cúng thần khi khởi công mùa cấy và thu hoạch lúa, hoa mầu. Vào ngày lễ, dân bản tụ tập đông đủ ở sân làng. Một cây nêu chạm trổ tinh vi, treo nhiều nhạc cụ, được dựng lên. Mỗi khi gió thoảng qua, các nhạc cụ va vào nhau vang lên âm thanh rất lạ tai. Một con trâu được cột dưới gốc cây nêu. Buổi lễ bắt đầu khi ngọn lửa được đốt lên. Thầy phù thủy cầm một cây thương dài, miệng ngậm con dao khá lớn, bên hông lại đeo một con dao to nữa, múa may quay cuồng trong tiếng chiêng cồng rền vang, rồi thình lình đâm vào con trâu. Đầu trâu được chặt treo lên cây nêu để làm vật tế lễ. Sau đó mọi người cùng múa hát và lăn xả vào xẻ thịt con trâu ăn mừng lễ cúng Yàng, bên những ché rượu cần cong vút.
Bác sĩ ÉTIENNE TARDIF, đã được dân làng mời đến thăm một người dân bị bệnh nặng trên cao nguyên Lang Biang, kể lại:
“Khi đến nhà, tôi thấy trên chòi đầu và chân một con trâu vừa mới bị giết. Người ta cho tôi biết đây là con trâu thứ ba cúng thần linh từ khi bệnh bắt đầu. Vào trong nhà, khói lửa cúng thần linh xông lên khó chịu. Quanh ngọn lửa, dân làng ăn và uống rượu. Thỉnh thoảng, một người kéo một sợi dây cột vào mái nhà làm cho những chiếc bùa và lục lạc vang lên. Cùng lúc trống chiêng đánh lên và người trong nhà la hét để xua đuổi ma quỷ đang nhập vào xác người bệnh. Bệnh nhân bị sốt rét nặng nằm cạnh đống lửa. Khi một người trong làng chết trong một thời gian ngắn do một căn bệnh không rõ, dân làng dời buôn sang nơi khác.”
(Trích: “ĐÀ LẠT NGÀY THÁNG CŨ”
Soạn giả: LS. Ngô Tằng Giao)
___________________________________________________________________________________________
Comments