Thành phố Đà Lạt nằm trong cao nguyên Lang Biang, phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, giáp ranh với huyện Đức Trọng và Đơn Dương; Bốn phía Đà Lạt là núi đồi xanh tươi, rừng rậm bao la. Đà Lạt ở giữa những ngọn núi cao như núi Lang Biang (2.167m), phía Tây Nam là núi Voi (1.800m), phía Bắc là đỉnh Lapbe Bắc (1.732m), án ngữ phía Tây Nam là đỉnh Lapbe Nam (1.707m). Vĩ độ 10,57. Kinh độ 108,20. Cao trung bình so với mặt biển là 1.500m. Nơi cao nhất trong trung tâm thành phố là Nhà Bảo Tàng (1.532m), và nơi thấp nhất là thung lũng Nguyễn Tri Phương (1.398m). Đà Lạt cách biển Thuận Hải theo đường chim bay là 90km, nhưng theo quốc lộ 11 đến Phan Rang là 108km, cách Sài Gòn 250km theo đường chim bay và theo quốc lộ 20 là 305km. Đất thành phố này được phủ bằng một lớp đá huyền vũ, lâu ngày bị mủn ra thành đất đỏ pha cát và đất sét. Sông chính chảy qua Đà Lạt là Cam Ly, phát nguồn từ đỉnh núi You Boggey, chảy xuống hồ Than Thở rồi chảy ra sông Đa Dung. Đà Lạt có hồ Xuân Hương và một số hồ khác như Mê Linh, Vạn Kiếp, Ankroet…Khí hậu Đà Lạt mát mẻ với hai mùa mưa nắng: mùa nắng từ tháng Mười Một đến tháng Tư và mùa mưa, thường là mưa phùn, từ tháng Năm đến cuối tháng Mười. Đà Lạt có nhiều con đường bộ nối với nhiều tỉnh phía Bắc và phía Nam. Phi trường chính của thành phố ở Cam Ly.
Trước đây, Đà Lạt có những cơ quan chuyên môn và viện đại học như Trung Tâm Thực Nghiệm Lâm Sản, Trung Tâm Nguyên Tử Lực Cuộc, Khu Thủy Lâm, Nha Quản Đốc Thủy Điện Đa Nhim, Nha Địa Dư, Viện Pasteur, Viện Đại Học Đà Lạt, Trường Võ Bị Quốc Gia, Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị. Về dân cư thời đa số đồng bào sinh sống tại Đà Lạt là người Kinh, còn lại là người Thượng sắc tộc Lạch (M’Lates, Lat, Lạt) và Chill. Dân chúng theo đạo Phật, Thiên Chúa, Tin Lành và Cao Đài. Năm 1905, Đà Lạt chỉ có khoảng 60 người Kinh. Tới thời điểm trước năm 1975 thành phố Đà Lạt, gồm có khoảng 116.000 dân, được chia làm 12 phường và 3 xã. Về mặt kinh tế, được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu trong lành, đất đai phì nhiêu nên phần đông dân Đà Lạt sống bằng nghề trồng rau và hoa quả. Đất của thành phố này không dùng vào việc trồng lúa. Một số làm tiểu thủ công nghiệp. Sau đó, thương mãi và dịch vụ du lịch cũng phát triển. Ngoài ra, dân Đà Lạt còn làm nghề khai thác lâm sản và khoáng sản quý (khai thác vàng ở Tà In) đất sét trắng, cát núi, đá quý...
Về những vùng đồng bào dân tộc ít người quanh thành phố đã đi vào định canh định cư, đời sống tương đối ổn định. Ngoài việc khai thác lâm sản, săn bắn, họ đã biết đầu tư cho việc sản xuất cây công nghiệp, làm kinh tế vườn: cà phê, dâu tằm, xen kẽ việc trồng lúa, hoa mầu. Về nông nghiệp trước hết phải kể đến là rau. Đà Lạt nhiệt độ ôn hoà, lượng mưa vừa phải với ánh nắng mặt trời rực rỡ quanh năm, đất đai giàu có, mầu mỡ là những điều kiện thuận lợi thích hợp cho các loại rau miền ôn đới. Đà Lạt cung cấp nguồn rau cho Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Rau Đà Lạt rất phong phú về chủng loại gồm có: cà rốt, xà lách, xà lách son, su su, su hào, cải bông, khoai tây, hành tây, tỏi, cải bắp thảo, artichaut, bố sôi, cải xoong…Kế đến là các loại hoa được trồng nhiều để sản xuất như hoa hồng, uất kim cương, huệ tây, lay ơn… Rừng Đà Lạt có nhiều loại lan rất nổi tiếng. Rồi đến các thứ quả. Đáng kể nhất có lẽ là trái hồng, có thể chế biến được thành trái hồng khô và rượu. Ngoài ra còn có mận Trại Hầm thơm ngon, trái dâu tây, táo tây, đào lông, trái bơ, chuối... Về mặt dược liệu thời Đà Lạt có nhiều cây dược liệu quý như artichaut, các loại sâm, trầm hương, kỳ nam... Đà Lạt có công nghệ chế biến artichaut xuất khẩu. Về các cây công nghiệp thời đất Đà Lạt cũng phù hợp với những loại cây công nghiệp như trà, cà phê, dâu tằm... Đồn điền Trà Cầu Đất có diện tích khá lớn. Hàng chục loại thảo mộc đặc biệt như tùng, bách, trắc bá diệp, bạch đàn, dẻ, sồi, canh ky na, ca cao... Chỉ riêng thông đã có đến 5 loại thông khác nhau. Về mặt chăn nuôi thời Đà Lạt có nhiều đồi cỏ thích hợp với việc chăn nuôi. Việc chăn nuôi bò sữa đã phát triển. Trước kia tại Đà Lạt có những trại chăn nuôi lớn như: trại Dankia, trại Faraut, Grillet ở Suối Tía, trại gà Scala... Tuy là một vùng đất có nhiều hồ nước, nhưng việc nuôi cá nước ngọt chưa được quan tâm để phát triển đúng mức.
Khoáng sản chỉ có các hầm đá dùng để xây đường xá và cao lanh dùng làm đồ gốm.
Về lâm sản thời lâm sản chủ yếu của Đà Lạt là nhựa thông và gỗ thông. Đây là nguồn tài nguyên khá phong phú, có giá trị xuất khẩu cao. Về tiểu thủ công nghiệp thời chủ yếu chỉ phát triển ở một số nghề đan, móc, thêu xuất khẩu, tranh cưa lộng, tranh bút lửa. Hàng thêu, đan len của Đà Lạt được các du khách trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Chợ Đà Lạt là một trong những chợ đẹp nhất Việt Nam. Chợ do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Chợ Đà Lạt nằm ở trung tâm thành phố nhìn ra hồ Xuân Hương.
Chợ Đà Lạt giới thiệu với du khách những mặt hàng tiểu thủ công do những bàn tay “tài hoa” của người dân Đà Lạt hội tụ từ mọi miền Tổ quốc làm ra như áo, mũ bằng lông thú, hộp bằng mây, làn xách tay bằng tre ngà. Các loại hoa ép, các khúc gỗ, mẫu cây để lấy lan rừng. Và đặc biệt những bức chạm vẽ vào gỗ thông bằng bút lửa. Thuở xa xưa Đà Lạt chỉ là một vùng đồi núi hoang vu thuộc dãy núi Lang Biang, chỉ có vài con đường nhỏ và lác đác vài căn nhà sàn của đồng bào Thượng. Thời gian thực dân Pháp mới xâm chiếm nước ta, vùng đất Đà Lạt thuộc quyền cai trị của một tù trưởng người Thượng tên là YAGUT đã từng nổi tiếng chống lại thực dân. Sau này, dân chúng trong vùng nhớ công ơn này và đặt một con đường mang tên ông. Trong cuộc mở mang đất đai về phía Nam của tổ tiên ta vùng Đà Lạt được sát nhập vào tỉnh Khánh Hòa, nhưng việc khai thác miền sơn cước chưa được các triều đình lưu ý đến. Cho đến khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, họ cử phái đoàn YERSIN lên nghiên cứu vùng này vào năm 1897. Đà Lạt đã được khám phá ra trong giai đoạn đất nước mất chủ quyền vào tay người Pháp. Vì muốn mở rộng vùng đất bảo hộ nên người Pháp đã tìm cách mở rộng lãnh thổ Việt Nam. Đà Lạt là một phần đất được mở rộng đó.
Bác sĩ ALEXANDRE JOHN-EMILE YERSIN khi đặt chân lên cao nguyên Lang Biang đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển Đà Lạt, góp phần biến Đà Lạt từ một vùng đất hoang sơ của người Lạch thành một thành phố nổi tiếng đến bây giờ. Nhưng dựa theo những văn kiện hành chánh thời tính tới năm 1999 Đà Lạt có tuổi đời vừa đúng một trăm năm. Năm 1899 toàn quyền Paul Doumer ban hành nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng, một khu vực hành chánh mới trực thuộc Trung Kỳ, bao gồm một vùng đất rộng lớn từ thượng lưu sông Đồng Nai đến ranh giới các lãnh thổ Nam Kỳ và Nam Lào. Tòa công sứ tỉnh đặt tại Di Linh và hai trạm hành chánh phụ thuộc, một tại Tánh Linh và một tại Lang Biang là tiền thân của thành phố Đà Lạt sau này. Lúc đó thời người Pháp phân vân giữa việc chọn làng Dankia (cạnh đập Ankroet, Suối Vàng) và làng K'Mlây (Cam Ly, vị trí Đà Lạt ngày nay) để xây một trung tâm nghỉ dưỡng tại Đông Dương. Cả hai nơi này đều nằm trong cao nguyên Lang Biang và chỉ cách nhau 15km. Vào năm 1906 Đà Lạt được chọn làm địa điểm xây dựng chính thức dựa vào ba ý kiến sau: - Thứ nhất là báo cáo của giám đốc nông nghiệp và thương mại Đông Dương khởi xướng thành lập một trung tâm thí nghiệm trồng hoa quả ôn đới mà thành quả là các giống bắp cải, khoai tây, cà rốt và mận đào được gieo trồng khắp Đà Lạt. - Thứ nhì là của thiếu tướng trưởng ban khảo sát xây dựng một đồn quân sự trên cao nguyên. Ông đề xướng xây dựng một đồn lính canh để bảo vệ các công trình xây dựng thành phố. - Thứ ba là của một nhà trắc địa và là thị trưởng Đà Lạt. Ông đã phác thảo một đồ án thiết kế được nhiều kiến trúc sư dựa theo để quy hoạch thành phố Đà Lạt sau này.
Thế là từ một làng thổ dân hẻo lánh Đà Lạt đã biến thành một đô thị tân tiến, một trung tâm du lịch, một thành phố văn hóa, một tài sản quý.
Đà Lạt trước kia được ví như một mỹ nhân:
“Như là thiếu nữ mỹ miều
Khoác ngoài chiếc áo diễm kiều phương Tây
Nép mình quý phái bên cây
Yên bình đọc sách, tóc mây buông dài.”
(Tâm Minh)
Công lao lớn nhất vẫn thuộc về bác sĩ Yersin là người khám phá ra cao nguyên Lang Biang và chính ông đã vận động chọn nơi này làm trạm nghỉ dưỡng tại Đông Dương. Yersin là một vĩ nhân. Tiểu sử ông có trong các tự điển danh nhân thế giới. Ông sinh năm 1863 tại Thụy Sỹ. Sau một thời gian theo học tại các trường đại học ở Thụy Sỹ và Đức, Yersin sang Pháp học tiếp ngành y khoa, tốt nghiệp bác sĩ năm 1888 và làm việc tại phòng thí nghiệm do bác sĩ Louis Pasteur sáng lập cùng với bác sĩ Emile Roux. Năm 1894 Yersin khám phá ra vi trùng bệnh dịch hạch và trở nên nổi tiếng. Vì có óc mạo hiểm, Yersin quyết định nhập quốc tịch Pháp năm 1888 để có cơ hội phiêu lưu. Năm 1890 cơ hội đến, Yersin xin làm việc tại hãng tàu biển Messageries Maritimes ở Marseille và được cử sang Đông Dương phục vụ trên các chuyến tàu Sài Gòn - Manila và Sài Gòn - Hải Phòng, lúc đó ông tròn 27 tuổi. Trên đường từ Sài Gòn ra Hải Phòng tàu của ông thường cập bến Nha Trang nghỉ vài ngày. Năm 1891 khi tàu vừa bỏ neo ông xin thuyền trưởng cho xuống tàu để tổ chức một cuộc thám hiểm lên cao nguyên, với dự định băng rừng đi từ Nha Trang vào Sài Gòn trong vòng 10 ngày, nhưng không thành công. Phái đoàn của Yersin gồm sáu người đi gần đến Di Linh thì phải trở lui vì tới ngày tàu của ông nhổ neo ra Hải Phòng. Cuối năm 1891 Yersin xin nghỉ việc để có thì giờ thực hiện các cuộc thám hiểm riêng. Năm 1892 Yersin thực hiện cuộc thám hiểm lần thứ hai. Yersin đi từ Nha Trang sang Stung Treng, băng qua cao nguyên Darlac. Sau chuyến thám hiểm này, Yersin về lại Paris và được bộ giáo dục Pháp cấp kinh phí để thực hiện công tác khảo sát khoa học trên cao nguyên Đông Dương.
Trở lại Sài Gòn năm 1893 Yersin được toàn quyền Lanessan giao nhiệm vụ khảo sát, mở một tuyến đường bộ đi từ Sài Gòn ra Phan Thiết xuyên cao nguyên. Sau chuyến đi này Yersin nắm vững một phần địa hình và dân cư trên cao nguyên. Tháng 4 năm 1893 ông quyết định tổ chức một cuộc thám hiểm thứ ba từ Phan Rí và Tánh Linh, băng qua những vùng đất lạ phía Đông Bắc. Lần này đoàn thám hiểm được trang bị rất hùng hậu: 80 phu khuân vác, 6 ngựa và một voi. Kết quả cuộc khảo sát này không làm ông hài lòng vì không thể thiết lập một con đường xuyên qua vùng này, các thung lũng thường xuyên bị ngập nước vào mùa mưa, vả lại dân cư bản địa không đông để có thể chiêu mộ làm đường. Yersin liền tổ chức một chuyến thám hiểm khác từ Tánh Linh đi Phan Rang xuyên lên cao nguyên phía Bắc. Lần này phái đoàn đi dọc tả ngạn sông La Ngà, tới làng Droum, băng qua sông La Ngà rồi đi dọc hữu ngạn con sông lên phía Bắc, vượt qua sông Đa Riam và Đa Dung (thượng nguồn sông Đồng Nai) tới núi Tadoung (1.974m), rồi quay về làng Riong nghỉ chân. Từ Riong, Yersin cùng bốn phu khuân vác đi ngược sông Da Tam (một chi lưu sông Đa Nhim) về phía Đông đến các làng Kréan (sau này là Fimnom), Brenne (làng Thiên Sa, gần thác Prenn), rồi tiến lên dãy núi phía Tây Bắc. Sau gần một giờ leo núi, phái đoàn trèo qua thác Datanla (thác Mây) đến một thung lũng nhỏ có một dòng nước chảy qua. Khi đi dọc theo con suối nhỏ trong thung lũng, phái đoàn Yersin tiếp xúc với người Lạch (một sắc dân K’Ho) và được biết con suối nhỏ đó tên là Dak K'Mlây (Cam Ly). Đi thêm độ hơn chục cây số và vừa ra khỏi rừng thông 3 lá phái đoàn nhìn thấy hiện ngay ra trước mắt là cao nguyên Lang Biang! Lúc đó là 15 giờ 30 ngày 21 tháng 6 năm 1893. Trong sổ hành trình Yersin viết: “3 giờ 30, cao nguyên rộng lớn trơ trụi lồi lõm”. Trong hồi ký Yersin mô tả cao nguyên: “...Khoảng 15 đến 20 cây số trước khi đến chân núi, chúng tôi ra khỏi rừng và đứng trước một vùng đất hoàn toàn trơ trụi, phủ đầy cỏ. Mặt đất dợn lên những lượn sóng dài làm cho chúng tôi có cảm tưởng như đang trên một vùng biển đầy sóng lớn. Núi Lang Biang đứng sừng sững trước mắt như một hòn đảo và dường như càng lùi xa khi chúng tôi tiến tới. Trước những cánh đồng rộng lớn này, thật khó tính được cự ly chính xác. Đáy thung lũng là đất bùn đen. Nhiều đàn nai để chúng tôi đến gần độ trăm mét rồi vụt chạy, thỉnh thoảng chúng còn ngoái đầu nhìn lại chúng tôi một cách tò mò...” Yersin đã đứng ngẩn ngơ trước khung cảnh hoang sơ tuyệt đẹp của cao nguyên Lang Biang. Ông thấy đồi núi cũng có những ngọn sóng thần kỳ ảo hơn cả biển khơi. Hướng Tây Bắc đỉnh núi Lang Biang sừng sững ở chân trời, làm cho khung cảnh tươi đẹp thêm hùng tráng. Như lạc vào một mảnh đất thần tiên, quên hết bao mệt nhọc. Độ 15 phút sau, phái đoàn lội qua suối Cam Ly tiến về phía Tây Bắc đến làng Deung, sau đó vượt sông Đa Dung (thượng nguồn sông Đồng Nai) đến làng Dankia.
Trong hồi ký, Yersin viết: “Vùng đất này dân cư thưa thớt, một vài làng người M’Lates sống tập trung dưới chân núi, những ruộng lúa nước rất đẹp. (...) Người M’Lates nói thạo tiếng Chăm cũng như tiếng Mạ. Phụ nữ có vành tai thật rộng để xỏ vào đó những vành tròn hay treo vào đó những ống thiếc hình xoắn ốc rất nặng. Dân chúng tiếp tôi trong căn nhà làng. Mỗi già làng mang tới vò rượu cần của mình. Có đến sáu vò rượu xếp hàng dài trước mặt tôi, cũng may là người ta không bắt tôi phải thưởng thức hết. Tôi chỉ ngủ lại đêm ở Dankia, rồi trở về Riong dưới một cơn mưa tầm tã. Trời mưa khiến cho sườn dốc rất trơn trượt và biến những dòng suối nhỏ thành những dòng sông thật sự, rất nguy hiểm khi vượt qua. Trong thời gian tôi đi vắng, một con cọp cố vồ lấy một trong những con ngựa của tôi đứng ngay trong hàng rào của trại. Anh thợ săn người Việt mà tôi để lại ở Riong tổ chức chiến đấu. Anh ta chỉ bắn bị thương con cọp. Con thú dữ này trong khi chạy trốn đã vồ hai người Thượng bị thương nặng...” Yersin đã gặp bộ tộc M’Lates (tức là Lạch) trên một dòng suối nhỏ của một thung lũng xanh biếc nên có lẽ tên DALAT có từ đây. (Da: Dak, theo tiếng Thượng có nghĩa là nước, suối, sông. Lat: M'Lates, Lạch. DALAT: suối của người Lat).
Có một sự trùng hợp khá thú vị. Người ta kể rằng Yersin thông thạo tiếng Latin, đã cho DALAT là một nơi:
“Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem”
(Cho người này niềm vui, cho người kia sự mát dịu)
Kỳ diệu sao khi ông phát hiện những chữ đầu của câu đó lại ghép thành tên mảnh đất thần tiên này: D.A.L.A.T. Sau năm 1954 người Việt thêm dấu phiên âm nên đọc và viết thành ĐÀ LẠT. Vì thời gian quá cấp bách và nguồn lương thực cạn dần, Yersin chỉ lưu lại cao nguyên Lang Biang một ngày một đêm rồi trở lại làng Riong tìm đường rừng xuống Phan Rang.
Trên đường về, khi phái đoàn băng qua thung lũng sông Đa Nhim thì bị một nhóm người võ trang tấn công. Nhóm này gồm khoảng 30 người chia làm 5 tốp do một người tên là Thước cầm đầu. Đây là những tù nhân chính trị đã phá nhà tù Phan Rí, giết quan án sát và tổ chức nổi dậy nhưng không thành công, họ tấn công kho đạn và lấy đi nhiều súng ống rồi rút lên cao nguyên. Vốn là những người đồng bằng, không nắm rõ địa hình khu vực rừng núi, và tình cờ biết có một đoàn thám hiểm trên cao nguyên, nhóm kháng chiến quân liền đi theo dấu để tìm đường xuống Phan Rang đánh phá các đồn bót Pháp. Trong cuộc chạm chán này cả Yersin lẫn toán kháng chiến quân đều bị thiệt hại nặng. Yersin bị thương, được đưa về Phan Rang để chữa trị. Nhóm kháng chiến quân cũng về lại đồng bằng tổ chức các cuộc đánh phá nhưng vì thế cô, sức yếu, thủ lãnh tên Thước bị bắt tại Nha Trang và bị chém đầu. Yersin có đến dự buổi hành quyết và trong thư gửi cho mẹ, ông tỏ ý thán phục con người can đảm không sợ chết này. Trở lại cao nguyên Lang Biang. Kết quả cuộc khám phá này được Yersin công bố trên báo cuối năm 1893 và được chính quyền thuộc địa Pháp chú ý một cách đặc biệt. Tháng 12-1893 Hội Đồng Thuộc Địa cấp cho Yersin một kinh phí mới để thực hiện một cuộc thám hiểm khác từ Nha Trang băng qua cao nguyên tìm đường xuống Đà Nẵng. Đoàn thám hiểm đi từ Nha Trang đến Dankia bằng một lộ trình mới dọc theo chân núi, băng qua thung lũng các phụ lưu sông Cái, men theo các khe suối lên tới làng Diom thuộc cao nguyên Dran (Đơn Dương). Từ Diom, Yersin theo đường mòn Prenn đến Dankia lần thứ hai. Từ Dankia, ông tìm đường lên cao nguyên Darlac và Kontum để đến Attopeu (Hạ Lào) rồi băng rừng tìm đường về Đà Nẵng. Cuộc thám hiểm này bắt đầu vào tháng 2 và kết thúc vào tháng 5-1894. Hai lần tiếp xúc với cao nguyên Lang Biang đã để lại trong lòng Yersin nhiều ấn tượng đẹp. Nhận thấy cao nguyên phong cảnh đẹp đẽ lại có khí hậu mát mẻ nên trong suốt thời gian sau Yersin đã tích cực vận động với các cấp chính quyền thuộc địa để xây dựng lập một thành phố dưỡng bệnh và nghỉ mát tại đây. Cố gắng này trùng hợp với ước muốn của toàn quyền PAUL DOUMER lúc đó cũng vừa tới Đông Dương nhậm chức. Năm 1897 trên đường sang Đông Dương, Doumer đã có dịp ghé thăm Ấn Độ và Indonésia. Tại hai nơi này ông thấy người Anh và người Hòa Lan đã thành lập nhiều khu nghỉ dưỡng có khí hậu mát mẻ gần giống châu Âu, nên ông có ý định thành lập những khu tương tự tại Đông Dương để cư dân Pháp lên nghỉ dưỡng sức thay vì về lại mẫu quốc, quá tốn kém. Doumer gửi thư cho thống sứ Bắc Kỳ và khâm sứ Trung Kỳ yêu cầu tìm địa điểm thiết lập những khu nghỉ dưỡng cho kiều dân Pháp tại Đông Dương: “Có độ cao tối thiểu 1.200m, dồi dào nguồn nước, có thể canh tác rau quả và thiết lập đường giao thông dễ dàng”. Tháng 8-1897, theo lời đề nghị của Yersin, cao nguyên Lang Biang được Paul Doumer chọn làm thí điểm xây dựng. Paul Doumer cho khởi công xây sở khí tượng và trạm thí nghiệm trồng trọt, đồng thời mở một con đường từ duyên hải lên tận cao nguyên. Thành phố Đà Lạt bắt đầu có mặt từ đó.
Sau này, khi hay tin dịch hạch đang hoành hành ở Trung Hoa nên Yersin thân hành đi Quảng Đông rồi Hồng Kông. Kết quả nghiên cứu cho thấy vi trùng gây dịch hạch ở người và cũng là vi trùng gây bệnh ở chuột. Mẫu vật được gởi về viện Pasteur ở Paris để kiểm chứng, và từ đó vi trùng dịch hạch mang tên Yersin. Năm 1895, Yersin lập viện Pasteur ở Nha Trang, rồi về Pháp hợp tác với hai bác sĩ Calmette và Roux tìm ra thuốc chủng ngừa dịch hạch, năm sau ông trở lại viện Viễn Đông mang theo thuốc chủng ngừa mới tìm ra. Tháng 6 năm 1896, dịch hạch tái phát ở Quảng Châu và Hạ Môn. Yersin đến tận nơi dùng thuốc cứu sống nhiều người. Sau đó, ông trở lại Việt Nam và làm việc ở viện Pasteur Nha Trang cho đến ngày qua đời. Trong khoảng thời gian này, từ 1902 đến 1904, Yersin được Toàn Quyền Đông Dương Paul Doumer mời ra Hà Nội để đảm trách việc sáng lập và điều khiển trường Cao Đẳng Y Khoa mà ta quen gọi là Trường Thuốc. Ngoài lãnh vực y khoa và thám hiểm Yersin còn là một nhà nông học tài giỏi. Ông đã trồng thí nghiệm và thành công với nhiều loại cây nhiệt đới. Yersin sống giản dị, thường chỉ mặc quần áo bằng vải kaki vàng, cưỡi xe đạp đi làm từ nhà đến sở. Ông lại có lòng nhân ái, thương người bình dân, ít học, nghèo khó, thương cả muông thú. Người dân Việt thân mật gọi ông là Ông Năm.
Ngày 28 tháng 6 năm 1935 Yersin được vinh dự mời đến chủ tọa lễ khánh thành một ngôi trường ở Đà Lạt mang tên Yersin, gồm hai trường Le Petit Lycée và Le Grand Lycée trước đó nhập lại. Yersin đã đọc đáp từ sau: “Tôi rất cảm động về cảm tình các em dành cho tôi. Các em hãy tin chắc rằng tôi rất quý mến các em. Các em tập họp quanh tôi làm cho tôi trẻ lại và gợi nhớ đến thời xa xưa. Ngày ấy, là một học sinh trẻ tuổi, tôi thường táo bạo mơ mộng đến một tương lai đầy mạo hiểm mà hoàn cảnh cho phép tôi thực hiện. Các em khiến tôi hồi tưởng lại sự phát hiện cao nguyên Lang Biang vào tháng 6 năm 1893 trong một chuyến đi khảo sát với mục đích thám hiểm vùng rừng núi Nam Trung Kỳ lúc bấy giờ hoàn toàn chưa ai biết đến. Ấn tượng của tôi thật sống động khi vừa ra khỏi rừng thông, tôi đứng trên bờ của một cao nguyên mênh mông, trơ trụi và mấp mô có ba đỉnh núi Lang Biang chế ngự. Mặt đất nhấp nhô khiến tôi liên tưởng đến biển cả xao động vì một ngọn sóng khổng lồ như thường thấy trên bờ biển miền Trung vào lúc trời sắp giông bão. Không khí mát mẻ làm cho tôi quên đi nỗi mệt nhọc và tôi nhớ lại niềm vui được chạy lên chạy xuống hết tốc lực trên những ngọn đồi xanh tươi như một cậu học trò nhỏ...” Bác sĩ Yersin mất ngày 1 tháng 3 năm 1943 tại Nha Trang, hưởng thọ 80 tuổi. Ngôi mộ của ông đặt tại Suối Dầu Nha Trang theo đúng di chúc của ông. Người đời tỏ lòng ngưỡng mộ Yersin nên từng viết rằng: “À la mémoire du docteur Yersin: Il repose comme il a aimé vivre seul absolument seul.” Tạm dịch là: “Tưởng niệm bác sĩ Yersin: người an giấc như người đã thiết tha sống cô đơn rất đỗi cô đơn.”
Thế chiến thứ hai đã đưa Đà Lạt đến thời kỳ cực thịnh. Chiến tranh làm cho người Pháp không có phương tiện về chính quốc nghỉ mát nên họ tập trung lên Đà Lạt. Hàng hóa, mọi nhu cầu cung cấp cho họ không thể mang từ Pháp sang. Chính quyền Pháp tại Đông Dương quyết định chính sách tự túc. Hơn nữa, những giống rau, hoa, quả mang từ Pháp trồng rất tốt trên đất Đà Lạt. Lúc bấy giờ Đà Lạt là một “Tiểu Paris” (Petit Paris), là “Hoàng Triều Cương Thổ” (Domaine de la Couronne) - một mảnh đất dành riêng cho người Pháp và dòng dõi hoàng tộc, cũng như quan lại cao cấp triều đình Huế; một vương quốc biệt lập, ai muốn đến đều phải có sổ thông hành như đi ngoại quốc vậy. Thực chất, người Pháp lập Hoàng Triều Cương Thổ chỉ là một lối trá hình để biến vùng cao nguyên thành thuộc địa trực tiếp của Pháp. Vùng cao nguyên này có một tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược và kinh tế. Về chiến lược, nó nằm giữa ba quốc gia Việt, Cam Bốt, Lào nên là một ưu thế hiếm có. Về mặt kinh tế, có nhiều tài nguyên, khoáng sản chưa được khai phá và khai thác. Sau hiệp định Genève, Pháp rời khỏi Đông Dương. Dân số Đà Lạt tăng nhanh với lượng người di cư từ Bắc vào Nam. Khu thương mại trung tâm thành phố được xây cất khang trang hơn. Một số địa danh, đường phố được đổi tên từ Pháp sang Việt. Đà Lạt chuyển sang một giai đoạn mới. Đối với Đà Lạt, theo nhiều tài liệu cũ và mới, thì ngoài các bộ tộc thiểu số đã cư ngụ trước đó tại địa phương, bác sĩ Yersin từ lâu được công luận xem là người đầu tiên tìm ra Đà Lạt nói riêng và cao nguyên Lang Biang nói chung. Nhưng sau này có nhiều ý kiến mới. Có người cho rằng NGUYỄN THÔNG (1826-1894) trong thời gian làm chức dinh điền sứ ở Bình Thuận đã có lần thám hiểm vùng cao nguyên Lang Biang và tìm ra vị trí Đà Lạt 25 năm trước khi bác sĩ Yersin đặt chân đến đây. Ý kiến này nghe có vẻ hữu lý và thỏa mãn tự ái của nhiều người Việt, tuy nhiên thiếu bằng cớ xác thực, cần thêm chứng minh khoa học và cụ thể hơn. Phải công nhận rằng nếu không có nhu cầu điều dưỡng của thực dân Pháp tại Đông Dương thuở đó thì dù Nguyễn Thông có phát hiện ra địa điểm, Đà Lạt cũng chẳng có mặt như hiện nay. Thứ đến, chuyến thám hiểm năm 1893 của bác sĩ Yersin có liên quan đến việc tìm ra cao nguyên Lang Biang, lần đầu tiên được công bố có đoạn viết rằng: “Vùng đất nằm giữa bờ biển Trung Kỳ và sông Đồng Nai còn ít được biết đến. Hai nhà du hành, bác sĩ Néis và thiếu tá Humann đã đến vùng này trước ông Yersin”. Trong hồi ký “Sept mois chez les Mois.” (Bảy tháng nơi xứ Mọi) bác sĩ Yersin cũng đã nhiều lần nhắc đến hai nhà thám hiểm này.
Bác sĩ Néis, y sĩ hạng nhất của hải quân Pháp, là một trong những người đầu tiên thám hiểm vùng núi rừng này năm 1880 và 1881 và đã mô tả tỉ mỉ cao nguyên Lang Biang và núi Delmann (thường được gọi là núi Voi) 12 năm trước bác sĩ Yersin. Sau đó mở đường cho nhiều chuyến thám hiểm khác trong vùng. Đặc biệt nhất là chuyến thám hiểm của thiếu tá Humann đến khu vực nguồn sông La Ngà vào năm 1884.
(Trích: “ĐÀ LẠT NGÀY THÁNG CŨ”
Soạn giả: LS. Ngô Tằng Giao)
www.dalatdauyeu.org
Comments