Suối nước nóng Đam Rông


Lâm Đồng là một tỉnh thuộc Tây Nguyên có khí hậu mát mẻ, dễ chịu, rất phù hợp để nghỉ dưỡng. Đến Lâm Đồng, bên cạnh nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên trong lành của thành phố Đà Lạt ngàn thông, du khách còn có thể kết hợp giữa du lịch sinh thái và chữa bệnh tại suối nước nóng Đam Rông.

Việt Nam có 400 nguồn nước nóng từ 40 – 80 độ C, có ở khắp các vùng miền của cả nước, đây là những dòng nước quý giá, rất bổ ích để thư giãn, hồi phục sức khỏe và hỗ trợ điều trị một số bệnh. Suối khoáng nóng là một liệu pháp điều trị tổng hợp giúp tăng cường sức khỏe, hỗ trợ chữa nhiều bệnh mạn tính, đặc biệt là các bệnh thuộc hệ thống cơ khớp, thần kinh, rối loạn tuần hoàn dinh dưỡng, hồi phục sức khỏe trong thời gian dưỡng bệnh, các bệnh phải bất động lâu ngày.

Nếu muốn kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh, tăng cường sức khỏe, du khách có thể chọn suối nước nóng Đam Rông – một trong những suối nước nóng nổi tiếng của Việt Nam làm điểm đến. Đây là địa chỉ du lịch vừa có thể làm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và cả du lịch văn hóa.



Du lịch nghỉ dưỡng

Suối nước nóng Đam Rông nằm ở địa bàn xã Đạ Long, huyện Đam Rông tỉnh Lâm Đồng, cách Đà Lạt chừng 70 km về hướng đông bắc. Suối nước nóng thiên nhiên Đam Rông là một điểm du lịch sinh thái và chữa bệnh hấp dẫn đặc biệt ;à giữa khí trời mát mẻ, hơi se lạnh của khí hậu miền Tây Nguyên.

Dòng nước nóng của suối phun trào dưới lòng đất ngược lên trông tựa cụm pháo hoa nở bung, nhiệt độ trung bình của nước suối luôn ở khoảng 40 – 45 độ C. Nồng độ lưu huỳnh cao hơn suối nước nóng ở nhiều vùng khác, điều đặc biệt này khiến cho suối nước nóng tại đây chữa các bệnh ngoài da, thấp khớp, cao huyết áp, rối loạn tim mạch rất hiệu nghiệm. Đến đây, khách du lịch Đà Lạt có thể đắm mình trong làn nước ấm áp hay đơn giản chỉ là ngâm tay chân thư giãn. Sau khoảng 15 phút để màn nước tự hành chảy masage nhẹ nhàng qua làn da, du khách hãy đi bộ vài trăm mét là gặp ngay dòng suối mát trong vắt để ngâm mình thư giãn. Mọi muộn phiền như tan biến, sức khỏe như được tăng cường, tinh thần trở nên tràn đầy sức sống và thư thái.

Chính khung cảnh thiên nhiên bao quanh khu suối nước nóng cũng góp phần làm nên nét đẹp cũng như sự thư thái cho du khách. Khu vực này được bao quanh bởi rừng cây tự nhiên lẫn nhân tạo khá đa dạng chủng loại và có một hệ thống đá bàn, đá phiến đan xen, mang lại cảm giác hoang sơ, sơn dã của thiên nhiên núi rừng Tây Nguyên. Suối nước nóng này là điểm du lịch luôn tập trung đông du khách, vừa đến nghỉ dưỡng, kết hợp hỗ trợ điều trị bệnh vừa thưởng ngoạn phong cảnh sơn thủy hữu tình, thơ mộng. Giữa đại ngàn tràn ngập tiếng chim rừng, bạn ngồi dựa vách đá ngả lưng đón dòng nước ấm áp phảng phất mùi khoáng chất thiên nhiên, nhắm mắt tận hưởng cảm giác tuyệt vời, xua tan bao muộn phiền, lo toan.



Du lịch văn hóa


Đến với suối nước nóng Đam Rông, du khách không chỉ được tắm suối nước nóng và nghỉ dưỡng mà còn có cơ hội quan sát, tìm hiểu về cuộc sống của đồng bào nơi đây. Buôn làng đồng bào dân tộc nơi đây là cái nôi nuôi dưỡng, kế tục một chuỗi lễ hội văn hoá phi vật thể truyền thống lâu đời, như lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ đâm trâu, hội cồng chiêng…Văn hóa cồng chiêng nơi đây là một nét đặc sắc không thể bỏ qua. Tất cả các thôn nơi đây đều có cồng chiên với tổng cộng 33 bộ cồng chiêng, hơn 150 chiêng lẻ. Tất cả đều được giữ gìn rất cẩn thận và hầu như còn nguyên vẹn về cấu trúc và âm thanh của cồng chiêng cổ. Đồng bào nơi đây vẫn truyền lại từ đời này qua đời khác tình yêu, niềm say mê và những kinh nghiệm về đánh cồng chiêng. Cồng chiêng đã ăn sâu vào cuộc sống của họ, không gì lay chuyển được.

Đến đây vào dịp lễ hội truyền thống, du khách sẽ có cơ hội để tìm hiểu phong tục tập quán của người dân bản địa vốn giàu lòng hiếu khách. Bạn có thể hoà nhập cùng mọi người, sinh hoạt múa hát thâu đêm bên ánh lửa trại, thưởng thức các món ăn dân dã như canh măng le tươi nấu gà giò, uống rượu cần đậm đà hương vị núi rừng thật tuyệt vời. Điển hình nhất là lễ cúng mừng gặt lúa (Mơ nhum hơma) nhằm tỏ lòng tạ ơn Yàng (ông Trời) đã ban cho dân bản một năm mưa thuận gió hoà, cây lúa mẩy bông, cây bắp chắc hạt. Đảm nhiệm phần chính nghi lễ là thầy cúng (Yuh) lấy nước đầu của từng chóe rượu chia cho các thành viên dự lễ theo thứ tự già làng tới chủ nhà, sau đó là những người khác.




Thầy cúng tiếp tục cắt cổ gà lấy huyết trộn với bột nghệ và nước cháo, dùng que vẩy thứ nước đó lên đống lúa, vẩy lên Trời, xuống ruộng, đồng thời đọc bài chú khấn tạ ơn Yàng, xong ra hiệu dàn cồng, chiêng, kèn, trống nổi lên theo vũ điệu Tamnha (Araja). Tại lễ hội, trai làng khỏe mạnh nhất từ các buôn thi đấu vật trước sự cổ vũ nồng nhiệt của mọi người, thể hiện tinh thần thượng võ và rèn luyện thân thể để chinh phục thiên tai, thú dữ.

DU LỊCH ĐÀ LẠT - DALATTRONGTOI.COM

__________________________________________________________________________________________

Tham khảo thêm: 


Đà Lạt Trong Tôi
Suối nước nóng Đam Rông Suối nước nóng Đam Rông Suối nước nóng Đam Rông Suối nước nóng Đam Rông
9/10 986 bình chọn

Comments