Đà Lạt là mảnh đất yêu thương với biết bao ưu ái. Đã Lạt hiền hòa với khí trời trong veo, Đà Lạt thơ mộng với kiến trúc Tây Âu, Đà Lạt dịu dàng với 4 mùa khoe sắc và Đà Lạt thanh lịch với nhịp sống chậm rãi mà yên an, với con người chân chất mà nồng hậu.
Nếu Đà Lạt không đẹp đến thế, không thanh lịch đến vây, thì nhà sử học, nhà thơ và chí sĩ yêu nước Nguyễn Thông đã không dùng những vần thơ đẹp đến thế khi viết về:
“Na tu bản vũ man yên địa - Thượng hữu giang hồ lão khách tinh” (tạm dịch: Ngờ đâu xứ thượng mờ mây phủ - Gặp bạn tâm tình khách quý mong).
Để rồi, nhiều năm về sau, nơi đây lại lần nữa khiến vị bác sĩ tài ba của nhân loại A.Yersin phải xiêu lòng, đến nỗi chẳng thể rời xa. Trong chuyến thám hiểm của mình vào năm 1893, ông đã viết về Đà Lạt như sau: “Dân cư trong vùng thưa thớt. Vài làng người Lạch sống tập trung dưới chân núi Lang Bian.Họ làm ruộng lúa rất tốt và rất hiếu khách.Chúng tôi được tiếp đón trong nhà chung của buôn Đăngya.Các chức sắc mang đến một chóe rượu cần. Rất may, họ không đòi hỏi tôi uống lần đầu hết tất cả…”
Có lẽ chính nét phóng khoáng hòa trộn cùng sự mến khách của người dân nơi đây đã để lại ấn tượng tốt đẹp với cả hai người họ.Ngày ấy, Đà Lạt là nơi ở của đại đa số người dân tộc thiểu số. Họ sống cuộc sống giản đơn, bình dị, sống phóng khoáng giữa núi rừng bạt ngàn. Rồi người Pháp đến, họ tìm ra và hân hoan với khát khao biến nơi đây trở thành một Paris thu nhỏ, một thành phố châu Âu giữa lòng châu Á. Cuộc kiến thiết diễn ra, mang đến cho Đà Lạt một diên mạo mới, Tây hơn, trẻ hơn và mới mẻ hơn.
Cuộc kiến thiết mở ra cũng là lúc người ta biết về Đà Lạt nhiều hơn.Và thế là, người dân tứ xứ kéo về nơi đây.Từ đô thị nghỉ dưỡng của người Pháp trong thời kỳ thuộc địa đến “Hoàng triều cương thổ” của chính phủ Nam triều, đó là một quá trình biến động của lịch sử, lý do tạo nên những dòng hợp cư đến với Đà Lạt. Người Pháp đến, rồi người Hoa, rồi lưu dân từ mọi miền đất nước như Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định cũng đã chọn Đà Lạt làm miền quê mới. Họ đến Đà Lạt, họ mang theo cả những nề nếp, lề thói nơi “chôn nhau cắt rốn” khiến cho nơi đây bỗng chốc trở thành một chiếc nôi văn hóa đa dạng.
Trong một bài viết, nhà thơ Uông Thái Biểu đã cho rằng: “Có thể nói rằng, nét tính cách của người Đà Lạt là sự hòa quyện giữa tính thật thà, hồn nhiên của người dân tộc thiểu số bản địa với nét tế nhị, trọng lễ nghĩa của người miền bắc; vẻ suy tư, trầm mặc, cẩn trọng của người Thừa Thiên - Huế; tính cần cù, cương nghị của người Quảng Nam, Quảng Ngãi; nét đôn hậu, phóng túng của người phương nam, cách giao tiếp khéo léo của người Hoa và tinh thần cầu tiến, không cố chấp của người Pháp.”
Điều đáng quý là trong quá trình giao lưu và “chung đụng”, con người ta biết điều chỉnh, bổ sung những đức tính, phẩm chất tốt cho nhau; loại bỏ những cá tính riêng, cục bộ địa phương hay những tính cách không được phổ biến. Sự chung đụng ấy đã làm xuất hiện một mẫu người Đà Lạt càng về sau càng rõ nét bản sắc.
Đa số những người rời quê hương để đến với Đà Lạt đều là những cư dân nghèo khổ mang trong mình khát vọng vươn lên.Ở họ tồn tại sự cần cù, chịu thương chịu khó.Nét tính cách này, qua năm tháng, đã trở thành nét đẹp trong tính cách người Đà Lạt.
Những năm tháng làm thần dân của “Hoàng triều cương thổ” cũng cho người Đà Lạt nhiễm chút phong lưu của giới quý tộc Nam triều. Mặt khác, Đà Lạt là một thành phố du lịch, du khách trong và ngoài nước thường xuyên đến đây, khá nhiều cư dân sống bằng nghề kinh doanh du lịch nên đức tính mến khách được hình thành một cách tất yếu theo nhu cầu tự thân của ngành nghề.
Có thể nói, người Đà Lạt hôm nay, là tổng hòa của những năm tháng hội nhập, giao thoa, đào thải và giữ lại của nhiều nền văn hóa, nhiều nét tính cách, tinh lọc để giữ lại những điều tinh hoa nhất.
Sống trong một môi trường với khí hậu mát mẻ quanh năm cùng cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, tĩnh lặng và bình yên, những cuộc chiến tranh đã đi qua hầu như chỉ là tiếng vọng từ xa, không hề ảnh hưởng trực tiếp và làm xáo động đến cuộc sống nơi đây. Chính vì thể người Đà Lạt đã quen sống với cuộc sống thanh bình, không bon chen mới cuộc sống xô bồ tạo nên tính cách của người Đà Lạt hiền lành, thật thà, sớm thích nghi và hòa nhập với môi trường sống.
Người Đà Lạt không dễ bất bình, nổi giận khi đứng trước những điều khó chịu. Có người khái quát về nét tính cách của người Đà Lạt là “đi không vội, ăn không nhanh, nói không to, giận không hét”.
Cũng do ảnh hưởng của khí hậu mát lạnh quanh năm đã hình thành nếp ăn mặc của người Đà Lạt rất kín đáo - hình thành văn hóa mặc của người Đà Lạt cũng rất riêng. Chiếc áo khoác ngoài và chiếc áo len trở thành trang phục quen thuộc, phổ biến của người Đà Lạt. Người Đà Lạt không thích ăn mặc hở hang, khêu gợi. Dù rằng, các “model” tân thời vẫn ảnh hưởng, nhất là lớp trẻ; nhưng sự tiếp thu sử dụng trong cách trang phục của người Đà Lạt có chọn lọc; đảm bảo đẹp, ấm và kín đáo!
___________________________________________________________________________________________
Comments