Đà Lạt trong tôi và Rác


Đà Lạt được mệnh danh là thành phố của tình yêu, của hoa và rừng thông nhưng đằng sau tên gọi mỹ miều đó là ...những bãi rác. Sự thiếu ý thức của một số bộ phận du khách và người dân địa phương đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho sự mai một những giá trị cốt lõi của du lịch Đà Lạt, mà hậu quả là nền du lịch Đà Lạt phải gánh chịu.


Ý thức bảo vệ môi trường của người dân và du khách không còn là chủ đề mới mẻ, khi vừa qua một ca sĩ gốc Mỹ  đang sinh sống tại Việt Nam đã thẳng thắng lên án những hành động xả rác bừa bãi và lên tiếng kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Đó là câu chuyện vĩ mô liên quan đến hình ảnh của cả một dân tộc. Còn Đà Lạt thì sao ? Đà Lạt được mệnh danh là thành phố của tình yêu, của hoa và rừng thông nhưng đằng sau tên gọi mỹ miều đó là ...những bãi rác.


Vào thập niên 80 Đà Lạt vẫn nối tiếng với hai câu thơ như nói lên vẻ đẹp thiên nhiên vốn có ở nơi đây, "Đà Lạt có thác Cam Ly - Có hồ Than Thở ai đi quên về". Đó là Đà Lạt của mấy chục năm về trước, giờ thì hồ Than Thở đúng với tên thở than của nó khi hàng tấn rác vẫn trôi về đây mỗi khi có mưa lớn, không ngoài số phận đó, thác Cam Ly cũng đang hứng lấy toàn bộ nước thải của thành phố Đà Lạt và nó đã đi vào dĩ vãng của một thắng cảnh đẹp nhất Đà Lạt.


Có lần tôi phải xấu hổ đến mức đỏ cả mặt khi một số vị khách trong đoàn nhìn thấy nguyên bãi rác nào là thùng cát tông, hộp xốp, chén nhựa...của một nhóm khách nào đó cắm trại qua đêm để để lại bên rừng thông hồ Tuyền Lâm và cũng thật không khó nhận ra điều này nếu bạn đến ven những rừng thông quanh Đà Lạt. Cũng lâu rồi tôi có đọc qua một câu nói khá hay được viết trên một tấm biển gỗ ngoài bìa rừng, như nhắc nhớ về ý thức của mỗi du khách, “Bạn không để lại gì ngoài những dấu chân”, “Bạn không lấy gì ngoài những bức ảnh đẹp”  thế nhưng đằng sau câu nói ấy là những bãi rác đủ loại của du khách để lại, xen lẫn với những gốc thông già.


Nguyên nhân thì không thể nói hết bằng lời, có lẽ từ sâu trong mỗi con người chúng ta đã không được giáo dục ý thức bảo vệ môi trường từ bé hay vì văn hóa cảm thấy bình thường khi vứt rác bừa bãi ? Điều đó ở mỗi con người nên tự suy ngẫm và có câu trả lời riêng cho mình. Bản thân tôi là một hướng dẫn viên du lịch, trước mắt tôi thấy đó là lợi ích của người Đà Lạt, 70% GDP của Đà Lạt phụ thuộc vào nghành du lịch, thiết nghĩ một ngày đẹp trời nào đó rừng thông không còn, những bãi rác tràn ngập hồ Tuyền Lâm bốc mùi hôi thối có lẽ đó là ngày tận thế của Đà Lạt.


Tôi biết tất cả những bạn đang đọc những lời này của tôi đều rất yêu Đà Lạt, các bạn vẫn cố gắng thu gọn những gói rác nhỏ của mình vào ba lô mỗi khi đi tham quan, để sau đó bỏ nó vào đúng nơi quy định. Tôi thầm cảm ơn và hi vọng Đà Lạt sẽ vẫn đẹp như những gì vốn có của nó, thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Lạt nhiều ưu ái nhưng cũng thử thách sự nâng niu chiều chuộng, rồi một ngày không xa chúng ta sẽ nhận được quả đắng nếu thiếu sự quan tâm đến nó.


Ý thức bảo vệ môi trường của mỗi con người không thể thay đổi nhanh chóng một sớm, một chiều, nó là vấn đề của cả một thế hệ. Khi mỗi con người chúng ta tự cảm thấy xấu hổ cho ai đó khi thấy họ vứt rác bừa bãi, khi mà cả xã hội xem việc tự tiện vứt rác là một căn bệnh nguy hiểm thì Đà Lạt sẽ còn đẹp mãi đúng như tên gọi "thành phố ngàn hoa" của nó.


Duong Quang - Hình ảnh:  Dalattraveler 

DU LỊCH ĐÀ LẠT - DALATTRONGTOI.COM

___________________________________________________________________________________________


Đà Lạt Trong Tôi
Đà Lạt trong tôi và Rác Đà Lạt trong tôi và Rác Đà Lạt trong tôi và Rác Đà Lạt trong tôi và Rác
9/10 986 bình chọn

Comments