Đà Lạt, đừng đánh mất những “nét buồn” thật đẹp!


Đà Lạt buồn, buồn trong từng nhành cây, ngọn cỏ, buồn trong từng nét phố, dốc cao, buồn trong từng nét kiến trúc cổ xưa ẩn hiện trong những rừng thông già, buồn cả trong khuôn miệng cười e ấp của người thiếu nữ. Dường như, “buồn” đã trở thành nét “đặc sản” hiếm hoi và độc đáo của phố núi này.

Thuở đời nay, có ai muốn nhận buồn về mình. Thế nhưng, bao nhiêu năm qua, Đà Lạt chưa bao giờ nhận nhưng nơi đây vẫn cứ buồn. Dường như, cái buồn đã ăn sâu vào cốt tủy của nơi đây, trở thành điều gì đó bản năng lắm, chứ chẳng cần phải gồng mình phô diễn đâu.

Những vần thơ, câu hát về Đạt Lạt cũng vậy, có bao giờ vui đâu. Vẫn nhớ có nhạc sĩ đã từng viết về Đà Lạt rằng: “Thành phố nào vừa đi đã mỏi…” Quả thật vậy, Đà Lạt buồn lắm, buồn đến nỗi dẫu cho có thương, có nhớ, có yêu Đà Lạt đến bao nhiêu, thì cũng dăm bữa, vài hôm thì du khách đã muốn quay về. Để rồi, giữa những xô bồ, tấp nập ngoài kia, người ta lại nhớ về Đà Lạt, như một cố nhân cũ và lòng lại khắc khoải mong ngóng thời khắc trở về. Cứ như thế, Đà Lạt buồn, nhưng dường như chưa từng thưa bước chân người qua. Cái buồn nơi đây, đã trở thành linh hồn của thành phố. Đâu có nơi nào buồn đẹp, buồn sang như nơi đây.


Nhưng nét buồn ấy, đâu phải chỉ mỗi rừng thông, mỗi con dốc, mỗi điều kiện thiên nhiên mang lại. Cái buồn của Đà Lạt, là tổng hòa của rất nhiều yếu tố.

Đà Lạt là một thành phố được kiến tạo rồi mới đưa con người đến sống. Người Pháp đã phát hiện ra nơi đây, biến Đà Lạt thành một Paris thu nhỏ với những lối kiến trúc “đặc sệt” hơi hướng phương Tây. Người ta nhớ đến Đà Lạt, bên cạnh những nỗi nhớ về núi đồi, thác nguồn, hoa bướm thì điều sâu đậm nhất còn đọng lại với khách phương xa chính là lối kiến trúc của nơi đây. Chính lối kiến trúc như sinh ra là dành cho Đà Lạt ấy đã góp phần sinh ra cái hồn “buồn thơ mộng” của thành phố ngàn hoa này.

Đâu phải ngẫu nhiên mà Hội Kiến trúc sư Việt Nam từng tiến cử Đà Lạt là “Thành phố di sản”. Những biệt thự kiểu Pháp nơi đây chính là “nguồn tài sản” vô giá của Đà Lạt. Trên dải đất hình chữ S này, đâu phải chỉ mỗi Đà Lạt mới có biệt thự, đâu phải chỉ mỗi Đà Lạt mới có kiến trúc phương Tây. Thế nhưng, chẳng nơi đâu mà lối kiến trúc ấy lại trở nên hòa hợp đến lạ kì như vậy, hòa hợp đến nỗi dường như trở thành một phần “máu thịt” của nơi đây. 

Người ta vẫn thi thoảng ngẩn ngơ dừng chân, đứng lặng ngắm nhìn một tòa biệt thự nào đó ẩn hiện giữa rừng thông bạt ngàn. Không chỉ riêng những du khách đến đây mới vậy, mà ngay cả người Đà Lạt cũng thế. Người ta yêu Đà Lạt, nhớ nơi đây, chính là nhớ những khoảnh khắc kì lạ như vậy. Đó có thể là hình ảnh Trường cao đăng sư phạm Đà Lạt hửng mình trong nắng sớm, hay là khi Nhà ga Đà Lạt bất chợt trở nên mơ màng trên chiều mưa phùn. Người con Đà Lạt đi xa, sẽ chẳng ai có thể quên những căn biệt thự trên đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, hồ Vạn Kiếp, hồ Mê Linh, Lê Lai. Hay chỉ đơn giản như hình ảnh cái tháp bút cô đơn nhưng mãnh liệt viết khát vọng lên trời xanh ở trường Lyceé Yersin đã làm người ta quay quắt nhớ về Đà Lạt, cho dù phố núi này chưa hẳn là quê quán họ.


Ngày nay, Đà Lạt cũng buồn, nhưng lại là một nỗi buồn khác. Sâu trong lòng những người thực tâm say lòng với phố núi này thì Đà Lạt đang trên đà… lạt dần đi. Đà Lạt trong lòng họ, dường như đã chẳng còn vẹn nguyên như thuở nào. Phồ thị đã tràn đến nơi đây, cái hiện đại đã dần len lỏi vào nếp sống, vào tư duy của con người. Cho đến một ngày, họ muốn biến những suy nghĩ ấy thành hành động, họ - bỗng dưng chẳng muốn Đà Lạt “buồn” nữa. Hai ngàn căn biệt thự thời thuộc địa mang phong cách kiến trúc Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX từng được giới nghiên cứu kiến trúc trong nước nhận xét là hai ngàn tác phẩm kiến trúc tuyệt vời đến bất ngờ, không tác phẩm nào giống tác phẩm nào nhưng hài hòa với thiên nhiên Đà Lạt gần như tuyệt đối dần dần biết mất hoặc bị lãng quên. Ai đó ước tính, trong vòng bốn mươi năm qua từ “Thành phố di sản”, Đà Lạt bỗng trở thành “Thành phố di tích”! Một khối quỹ đô thị - kiếntrúc – văn hóa tổng thể nguyên vẹn có một không hai ở Đông Nam Á giờ tản mác, vỡ vụn.

Những căn nhà của hiện đại mọc lên, nhưng khách sạn, resort hào nhoáng, tráng lệ mọc lên, sừng sững nhưng lạc long giữa hồn núi, tình sông. Dần dà, Đà Lạt đã chẳng còn là thành phố “buồn” như người ta vẫn mượng tượng, hình dung khi nhớ về nữa.

Người ta vẫn đang ngày ngày phác họa, lên ý tưởng về những dư án khu phức hợp cho phố núi nhỏ nhắn này. Những công trình hiện đại đang dần thành hình, những kiến trúc cũ xưa dần trở nên mai một. Cái mới thế thay cái cũ. Điều này, khiến không ít những trái tim thật lòng vương vấn một Đà Lạt xưa cũ phải muộn phiền.

Đà Lạt của những hôm nay, cứ như thể một cô gái thôn quê, muốn khoác lên mình chiếc áo lộng lẫy, xa hoa thị thành. Nó chẳng hợp, và vì chẳng hợp nên chẳng còn đẹp nữa rồi. Nhìn Đà Lạt của hôm nay, người ta lại hoài niệm về một Đà Lạt xưa, một Đà Lạt “chân chất”, “hoang dã” nhưng đầy “nồng nàn” và “đắm say”.

Trong một bài phỏng vấn, nữ kiến trúc sư Trần Minh Trang – người vẫn ôm giấc mộng hoàn nguyên lại nét đẹp xưa của Đà Lạt, đã bộc lộ những trăn trở của mình: “Rất đau lòng khi điều đó đang xảy ra, nhất là khi nhìn tòa nhà hành chính vừa cao, vừa to, rất phô trương, ngay tại trung tâm TP Đà Lạt, không giới hạn chiều cao và phá vỡ cả môi trường xung quanh. Một số khu resort khai thác nơi đầu nguồn nước, nước thải không biết đi đâu? Liệu có được thoát ra đầu nguồn hay không?


Ngày xưa Đà Lạt rất đẹp, nhà cửa lẫn trong núi, không phá vỡ cảnh quan chung. Giờ thì Đà Lạt lộn xộn, cửa sổ hai lớp của người Pháp với lớp cửa ngoài bằng gỗ thân thiên với môi trường giờ thay thế bằng những tòa nhà kính mọc lên cao ngất ngưởng, gây hiệu ứng nhà kính rất nặng nề.

Mùa nóng bây giờ ở Đà lạt cũng phải dùng máy lạnh. Một loạt trung tâm thương mại, resort mới xây cũng cao tầng… Rất nhiều kiến trúc sư bức xúc về quy hoạch tổng thể của Đà Lạt.

Rất khó tránh khi tài chính lẫn kinh nghiệm, trình độ quản lý đô thị và trình độ khoa học kỹ thuật còn hạn chế.”

Thật buồn thay khi nghĩ đến việc, một ngày nào đó, “nét buồn” mà bao người vấn vương bỗng chốc trở thành hoài niệm và phố núi, bỗng chốc trở nên hiện đại, hiện đại đến… bình thường như bao thành phố khác. Cái “chất” của Đà Lạt mà bao thế hệ cất công gìn giữ, rồi sẽ ra sao?

Vì thế, Đà Lạt ơi, đừng đánh mất những “nét buồn” thật đẹp ấy, có được không?

Đà Lạt Trong Tôi
Đà Lạt, đừng đánh mất những “nét buồn” thật đẹp! Đà Lạt, đừng đánh mất những “nét buồn” thật đẹp! Đà Lạt, đừng đánh mất những “nét buồn” thật đẹp! Đà Lạt, đừng đánh mất những “nét buồn” thật đẹp!
9/10 986 bình chọn

Comments