Dù đang trong mùa lễ hội – Festival hoa Đà Lạt khai mạc ngày 23/12 và Giáng sinh – thế nhưng lượng khách đến với Đà Lạt lại thấp đến mức đáng kinh ngạc. Nhiều khách sạn, nhà nghỉ treo bảng “còn phòng”, thậm chí áp dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhưng số lượng khách vẫn không mấy khả quan. Đây dường như là một hiện tượng khá lạ đối với ngành du lịch Đà Lạt trong nhiều năm qua.
Giảm giá, khuyến mãi nhưng chẳng mấy khả quan
Như mọi năm, đây luôn là khoảng thời gian nhộn nhịp của ngành du lịch Đà Lạt khi Festival hoa Đà Lạt khai mạc đi cùng lễ Giáng sinh. Mọi năm, vào lúc này, dường như để du khách tìm được một phòng trống để dừng chân cũng là một điều khó khăn. Thế nhưng, mùa lễ hội năm nay, hàng loạt các khách sạn, nhà nghỉ trên đường Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Mai Anh Đào, Lý Tự Trọng… đều đồng loạt treo bảng “Còn phòng”.
Bà Nguyễn Thị Hồng - chủ cơ sở lưu trú du lịch trên đường Nam Kì Khởi Nghĩa, TP. Đà Lạt cho biết, đây là mùa Festival vắng khách nhất của Đà Lạt trong nhiều năm trở lại đây. Mặc dù đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhưng lượng khách vẫn không mấy khả quan. Trong 20 năm kinh doanh, đây là lần đầu tiên bà Hồng gặp phải tình trạng “ế ẩm” trong mùa lễ hội như thế.
Ngoài ra, theo nhận định của các điểm đến nổi tiếng của Đà Lạt như: Langbiang, Thung lũng tình yêu, Hồ Than Thở,… thì lượng khách đến tham quan cũng không tăng so với ngày thường. Đại diện khu du lịch Langbiang thông tin: Do Festival Hoa Đà Lạt 2017 không trùng vào ngày nghỉ Tết dương lịch như kỳ trước (2015) nên khách không đông như mong đợi.
Ngoài ra, hiện tượng này có thể được lí giải theo hướng do hiện nay, việc xuất hiện những địa điểm độc, lạ ở Đà Lạt, những địa điểm không đi theo những lối mòn cũ được “review” liên tục trên các trang mạng xã hội khiến cho lượng khách tìm đến với những địa điểm quen thuộc cũng giảm dần.
Đà Lạt nay đã khác Đà Lạt xưa?
Theo ông Nguyễn Đức Cảnh (60 tuổi), du khách đến từ TP.HCM thì khi được hỏi cảm nhận về Đà Lạt sau chuyến đi của mình, ông đã dung hai từ: “Lộn xộn” và “Ô nhiễm”. Cụ thể, ông cho rằng: “Có thể nói toàn cảnh TP Đà Lạt đã thay đổi đến đáng kinh ngạc. Đó là một sự lộn xộn giữa không gian kiến trúc và thiên nhiên. Hình ảnh nhà cửa chi chít không theo quy luật nào, nhiều cánh rừng thông bị chặt phá; các hồ, thác nước trở nên ô nhiễm vì du khách và người dân làm du lịch tự phát xả rác vô tội vạ. Các sản phẩm du lịch của Đà Lạt đã từ lâu không có gì thay đổi. Vào dịp nghỉ dài ngày, khách sạn, nhà hàng tăng giá khiến nhiều du khách đâm ra chán Đà Lạt.”
Hay với ông Đặng Văn Thông, nhiếp ảnh gia đã gắn bó với Đà Lạt gần 50 năm qua thì Đà Lạt hôm nay đã đánh mất sự hiền hòa, dịu dàng của những tháng ngày trước. Việc xuất hiện của các công trình hiện đại, việc dân số ngày càng tăng, nạn “chặt chém”,… đã khiến Đà Lạt mất đi vẻ thanh lịch vốn có.
Quả thật, với những ai đã lỡ trót yêu một Đà Lạt hiền hòa, thơ mộng thì thật khó để thích ứng với một Đà Lạt “hiện đại” như hôm nay.
Nâng cao chất lượng dịch vụ và ý thức của khách tham quan
Ngành du lịch Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung có dấu hiệu đi xuống. Một cán bộ của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận không thể phủ nhận những hạn chế, tiêu cực về ngành du lịch tỉnh thời gian qua. Hiện tỉnh đang nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ để các sản phẩm du lịch đa dạng hấp dẫn du khách.
Bên cạnh đó, ý thức của du khách khi đến nơi đây cũng cần được cải thiện để có thể bảo vệ được nét hoang sơ và đẹp đẽ vốn có của cảnh quan Đà Lạt.
Nhìn chung, ngành du lịch Đà Lạt cần có những cải cách thiết thực trong việc kiểm soát việc mồi cò, “chặt chém” du khách, thiết kế những tour du lịch mới mẻ theo thị hiếu hơn là những tour cũ theo lối mòn để níu giữ và thu hút them lượng khách, đặc biệt là trong mùa du lịch cao điểm sắp tới.
___________________________________________________________________________________________
Comments