Câu chuyện buồn về ý thức…
Cứ nhìn vào Đà Lạt sau những dịp lễ, Tết là những ai yêu quý thành phố này đều cảm thấy khó chịu và phẫn nộ bởi hành vi xả rác vô tội vạ của những “thượng đế” thiếu ý thức. Nhiều bức hình chụp lại quang cảnh chợ m Phủ sau một đêm đông nghịt dòng người khiến nhiều người phải thảng thốt. Rác ngập khắp lối đi, mặt đường phủ đầy những bịch nilong trong suốt.
Rất khó để tìm thấy một khoảng trống nào giữa một “rừng rác” ngập tràn ấy. Nhiều người có cảm tưởng rằng, hình ảnh mình xem được là tại một khu tập trung rác thải nào đó, chứ không phải một trong những điểm đến nổi tiếng của thành phố du lịch Đà Lạt.
Đây vốn dĩ chẳng phải câu chuyện mới mẻ gì cho cam. Sau mỗi đợt lễ, Tết thì đó dường như luôn là hình ảnh quen thuộc của Đà Lạt.
Nhiều bài viết lên án, nhiều bài viết thiết tha mong mỏi, người ta vào chỉ trích, vào bình luận, vào phê phán, thế rồi đâu vẫn vào đó.
Ý thức của du khách luôn là điều nhức nhối, được xem là một trong những vấn nạn của nền du lịch nói chung, không hẳn chỉ riêng của Đà Lạt. Người ta được giáo dục và tuyên truyền rất nhiều về việc gìn giữ vệ sinh, nhưng dường như chỉ biết đó, nghe đó rồi thôi.
Và thế là, những câu chuyện buồn như thế cứ mãi tiếp diễn. Câu chuyện buồn về ý thức của bản thân mỗi người trong việc gìn giữ nét đẹp chung.
Hay Dấu hiệu đáng mừng cho sự phát triển của du lịch?
Có một sự thật phải công nhận rằng, việc kẹt xe trong những dịp lễ, hay rác thải tăng lên đáng kể trong những ngày Tết vừa qua ở Đà Lạt khẳng định một điều rằng, lượng khách đổ về nơi đây là cực kỳ lớn.
Từng có người dân Đà Lạt tâm sự rằng, trước kia, Đà Lạt chẳng bình lặng lắm. Chỉ có một vài khu đặc trưng mới đông đúc mỗi dịp lễ, Tết như khu Hòa Bình và khu vực chợ m Phủ. Đà Lạt khi ấy, chẳng khác chi lời bài hát của nhạc sĩ Lam Phương: “Người lưa thưa chìm dưới sương mù.”
Thế nhưng, trong những năm gần đây, sự phát triển vượt bậc của internet đã mang Đà Lạt đến gần với du khách hơn. Người ta biết nhiều về Đà Lạt hơn, say lòng vì mảnh đất này chỉ bằng đôi ba tấm ảnh, để rồi cứ thế mà vác ba lô lên, đi để mà tìm, mà hiểu. Một đồn mười, mười đồn trăm, Đà Lạt cứ thể trở thành mảnh đất hứa cho những chuyến đi về.
Người ta tìm đến Đà Lạt vì chính vẻ đẹp của mảnh đất này, một vẻ đẹp bình dị mà chẳng hề phô trương, nền nã và đằm thắm như những tiểu thư khuê các ngày xưa. Và cứ như thế, những câu chuyện về Đà Lạt cứ kéo dài, những bước chân đến với nơi đây cũng ngày càng đông hơn.
Trước kia Đà Lạt là mảnh đất nhỏ nguyên sơ, vòng quanh một vòng là hết. Đến hôm nay, Đà Lạt đã chẳng còn như vậy nữa. Vô vàn những khu du lịch được mở ra, vô vàn những nơi lưu trú, nhà hàng, quán cà phê được đưa vào hoạt động chỉ trong một vài năm ngắn ngủi. Đà Lạt của hôm nay, đã khởi sắc và rực rỡ hơn rất nhiều.
Tôi đã từng đi đến một vài nơi, nhưng dường như chưa một nơi nào có số lượng quán cà phê và homestay nhiều như ở Đà Lạt cả. Đà Lạt bây giờ không chỉ là mảnh đất tham quan thú vị của du khách mà còn là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư.
Để có một Đà Lạt phát triển như vậy, để có một Đà Lạt năng động như hôm nay, thì du lịch đóng góp một phần cực kì đáng kể. Người dân có công ăn việc làm ổn định hơn, các loại hoa màu, nông sản của Đà Lạt được biết đến nhiều hơn,...
Rác thải tăng lên khủng khiếp sau một đợt lễ, Tết cũng như một cách khẳng định nên du lịch phát triển thịnh vượng của Đà Lạt, mặc dù, việc phản
Tạm kết
Sự việc nào cũng tồn tại cả hai mặt của vấn đề. Rác thải nhiều là câu chuyện buồn về ý thức, nhưng lại là dấu hiệu phát triển đáng mừng của du lịch. Tuy nhiên, có vật nào bền mãi, có nơi nào đẹp mãi mà không cần phải gìn giữ. Chính vì thế, thành phố Đà Lạt còn đón thêm nhiều lượt khách nữa không, du lịch sẽ phát triển vượt trội nữa không, phụ thuộc rất nhiều vào việc chăm chút và giữ gìn. Giữ từ người dân bản địa, xây dựng ý thức từ chính bản thân những con người sinh ra ở nơi đây cho đến bản thân mỗi du khách đến với thành phố này.
Đà Lạt đẹp lắm bạn ạ, vì thế, đừng hủy hoại một thành phố chỉ vì một chút thiếu ý thức hay vì một cơn lười bất chợt.
Hy vọng, một ngày không xa, lượng du khách trở về Đà Lạt sẽ vẫn đông và sau đó, không có câu chuyện buồn về ý thức nào được đưa ra nghị luận nữa.
___________________________________________________________________________________________
Comments