Tôi đang muốn nhắc đến Mai Anh Đào – loài hoa được mệnh danh là thiên sứ của mùa xuân Đà Lạt và hai nhạc phẩm một thời yêu thương, vang bóng gắn liền với danh hoa ấy: Ai Lên Xứ Hoa Đào, Bài Thơ Hoa Đào của nhạc sỹ Hoàng Nguyên.
Trong tâm thức của nhiều người, Đà Lạt vốn lãng đãng, mờ ảo với khói sương, với màu hoa, với mây trời…tựa như chốn thiên thai. Đó là một Đà Lạt đẫm chất thi ca và lãng mạn, nơi con người cỏ cây hoa lá như hòa quyện vào nhau. Nhạc sỹ Hoàng Nguyên có lẽ cũng đã tìm được cho mình những rung động thuở ấy nên đứng giữa rạo rực sắc đào Ông đã viết nên hai bài hát nổi tiếng mang đậm hồn Đà Lạt. Ông tìm thấy một Đà Lạt nguyên sơ phảng phất sắc hồng của Mai Anh Đào trong mỗi cảnh sắc bên hồ, bên núi và cả trên đôi má người thiếu nữ. Người thiếu nữ Đà Lạt như đẹp hơn, đằm thắm hơn trong khí trời se se lạnh, màu nắng nhuộm cùng sắc hoa Mai Anh Đào như vẽ nên một bức tranh hữu tình thấp thoáng hình dáng giai nhân.
“Ngày nào dừng chân phiêu lãng. Khách tới đây khi hoa đào vương lối đi. Màu hoa in dáng trời. Tình hoa lưu luyến người. Bồi hồi lòng lữ khách thấy chơi vơi... Ngày nào đường xuân phơi phới. Khách ngất ngây thấy hoa nở trên má ai. Rồi yêu hoa trên má. Mà ghi câu lưu luyến thành bài thơ” –(Bài thơ hoa đào).Đà Lạt hiện lên trong ca từ của nhạc sỹ Hoàng Nguyên lãng mạn, ngọt ngào và da diết như một lời tự tình, như quen, như lạ. Đó là một thiên đường với thông, với sương, hoa lá cỏ cây và tà áo dài thấp thoáng đi trong nắng chiều Đà Lạt.
Sau những giai điệu nuối tiếc, sâu lắng của “Bài thơ hoa Đào”, một Đà Lạt réo rắt vui tươi hiện lên như lời mời gọi bước chân người lữ khách về với xứ sở Mai Anh Đào. Nơi có thông reo bên suối vắng, có mây trôi xa xa và buổi chiều rơi chầm chậm trên mặt hồ, nơi ấy có một mùa hoa Mai Anh Đào hồng tươi ấm áp như sưởi ấm khắp đất trời sau một mùa đông giá lạnh. Tất cả những hình ảnh ấy đã được đưa vào nhạc một cách tài tình, gợi lên một không gian huyền ảo lung linh.
Không bàn về đặc điểm và nguồn gốc Mai Anh Đào, bởi loài hoa báo mùa ấy đã đang và sẽ được nhiều du khách quan tâm, mong chờ và ca ngợi. Tôi chỉ mong muốn tìm được cho mình ý nghĩa cuộc sống qua những chuyến đi và mùa hoa rộn ràng ấy.Mai Anh Đào nở rộ nhất vào mùa xuân, mùa của những khởi đầu tươi đẹp, mùa của tuổi trẻ và tình yêu... Tuổi xuân của hoa ngắn khoảng từ 7-12 ngày nên cũng như hoa Anh Đào Nhật Bản, Mai Anh Đào Đà Lạt biểu trưng cho cuộc sống con người, những cánh hoa mong manh cháy hết mình để tỏa hương khoe sắc, dâng tặng mật ngọt cho đời, nhưng cũng sẽ nhẹ nhàng lìa cành khi một cơn gió thoảng qua. Loài hoa này nở rồi tàn ngay khi cánh hoa còn đương sắc nhất cũng như tuổi thanh xuân của mỗi người sẽ vụt qua rất nhanh. Cuộc sống đã dành tặng cho chúng ta một món quà vô cùng quý giá, đó là thanh xuân và tôi tin rằng khi lắng mình thời trong khắc đẹp, ý nghĩa giữa rừng Mai Anh Đào nở rộ mỗi người sẽ thấy yêu hơn cuộc sống này và sẽ tận hưởng thanh xuân của mình với tràn đầy khát khao và hy vọng.
“Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa. Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa. Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương, Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào thôi vấn vương. Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai”. Với ca từ nồng nàn, giai điệu sâu lắng“Ai lên xứ hoa đào”và “Bài thơ hoa Đào” đã có một vị trí đặc biệt trong lòng người Đà Lạt, người yêu Đà Lạt và làng âm nhạc Việt. Dù đã ra đời quá nửa thế kỷ, mỗi khi nhắc tới Đà Lạt, không thể không nhắc tới 2 ca khúc tuyệt vời này. Để thay lời kết cho những dòng tản mạn,xin mượn những ca từ trong “Ai lên xứ hoa đào” như một lời mời người lữ khách đã, đang và sẽ luyến lưu Đà Lạt đến với “Lễ hội Mai Anh Đào” để cảm nhận không khí, cảnh sắc thiên nhiên và những con người bình dị, mến khách nơi đây.
Bài viết: Nguyễn Lệ Xuân
___________________________________________________________________________________________
- Đà Lạt đẹp ràng ngời qua 4 mùa hoa
- Tháng 3 mùa hoa Phượng Tím Đà Lạt
- Đà Lạt, quên hương bình yên của tôi
- Đà Lạt xưa và bác sĩ Yersin
- 8 Địa điểm du lịch đẹp nhất Việt Nam bạn nên đến trước tuổi 30
Comments