Khi những tòa nhà cao tầng dần chọc thủng màn sương
Không thể phủ nhận việc phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã mang Đà Lạt đến gần hơn với rất nhiều người, cũng mang cho thành phố nhiều nét tươi sáng hơn. Thế nhưng, kèm theo đó, là những đổi thay, tuy âm thầm nhưng để lại nhiều tiếc nuối.
Có thể thấy, từ khi được tìm ra, vốn liếng “đắt” nhất của Đà Lạt chính là khí hậu, là những cánh rừng thông xanh rì ngày đêm reo ca, là nét dịu dàng nhưng cũng không kém phần hoang dã của mảnh đất cao nguyên. Chính vì những điều ấy, mà người Pháp đã không ngần ngại, cất công dựng nên một “tiểu Paris” giữa lòng châu Á, biến Đà Lạt trở thành một “mảnh đất yên an” tách biệt hoàn toàn với mọi ồn ã ngoài kia. Những ngôi biệt thự kiểu u, những công trình kiến trúc phương Tây độc đáo đã từng là những điều riêng biệt của Đà Lạt.
Thế nhưng, trong một thống kê gần đây, người ta chợt bàng hoàng khi nhận ra rằng, hơn 1.500 căn biệt thự cổ của thành phố sương trước đây giờ chỉ còn khoảng 400, với gần 200 căn trong đó là thuộc quyền sở hữu tư nhân. Thay vào đó, các công trình nghỉ dưỡng mọc lên nhiều hơn, những tòa nhà cao tầng thi nhau “nở rộ” trên mảnh đất này nhằm phục vụ lượng khách ghé thăm mỗi năm một đông hơn.
Diện mạo của Đà Lạt giờ đây trông ngổn ngang hơn hẳn, sự phát triển không đồng bộ khiến thành phố như mắc kẹt trong lằn ranh giữa: níu lại những giá trị cũ xưa và phát triển theo nhịp hiện đại, những ô màu lẫn lộn đan xen vào nhau, khiến Đà Lạt bất giác trở nên lạ lẫm với những ai vốn từng khắc sâu dáng hình thành phố vào tim. Dân số tăng lên nhanh chóng kết hợp cũng quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đã khiến Đà Lạt “chới với” trong cơn chuyển mình không đồng điệu.
Kiến trúc tinh tế và độc đáo chính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên nét đep bí ẩn và quyến rũ cho thành phố mù sương. Vậy mà giờ đây, những điều đó đang dần bị thay thế. Vậy thì, Đà Lạt còn lại cho mình những gì. Hay đến một ngày không xa nào đó, nơi đây cũng trở thành một đô thị phồn hoa và ồn ã, một nơi mà những tòa nhà chọc trời xuyên thủng cả màn sương mỗi sớm mai?
Ai mang về lại một diện mạo Đà Lạt khi xưa?
Trên diễn đàn mạng, có một tâm sự cho rằng: “Đà Lạt của ngày xưa là những tà áo chiều về tan học, vương vấn đóa Dã Quỳ vàng bên đường, là những con dốc, là nhành hoa hồng bé nhỏ và mùi nhựa thông trong gió, hoa đào e ấp ven hồ... Còn Đà Lạt giờ đây là những hối hả, là những mất mát khi trở về ngôi nhà gỗ ngày xưa nay còn đâu?”
Đà Lạt thu hút bước chân người đến cũng chính bởi những điều dịu dàng, e ấp riêng biệt. Một Đà Lạt trong tâm tưởng người nhớ nhung là một Đà Lạt với những sáng sớm mờ sương mà ẩn hiện trong đó là những mái nhà nhỏ bé xinh xinh san sát nhau, là những cánh rừng thông bạt ngàn cùng gió núi, là những con dốc nhỏ xinh xinh, là những căn nhà gỗ với cụm hoa dại bên thềm, là những căn biệt thự nguy nga, in hằn dấu tích tháng năm.
Đà Lạt khiến người ta say lòng bởi cái nhịp điệu chậm rãi và trầm buồn của nơi đây. Cái hơi thở an nhiên bình thản dường như đã đi cùng thành phố trong ngần ấy năm tồn tại. Bình thản sống, bình thản thưởng thức cuộc sống muôn màu này. Chính vì thế mà nơi đây luôn là nơi trú ẩn tuyệt vời cho những tâm hồn cần nghỉ ngơi đôi chút.
Vậy sẽ ra sao nếu một ngày Đà Lạt trở nên nhộn nhịp hơn, khoác lên mình chiếc áo phồn hoa đô hội với những tòa nhà chọc trời san sát xóa tan màn sương? Sẽ ra sao nếu một ngày những căn biệt thự cổ kia biến mất hoàn toàn, thay vào đó là những công trình kiến trúc có thể bắt gặp ở bất cứ đâu. Và, sẽ ra sao nếu bỗng dưng một ngày Đà Lạt mất đi những cung đường thông reo, những triền đồi đầy hoa, trở nên hối hả và tấp nập khi người dân khắp nơi kéo về kinh doanh, sinh sống? Liệu rằng, khi ấy, Đà Lạt có còn là một Đà Lạt đúng nghĩa?
Lúc này, người ta mong mỏi biết bao một phương án có thể giúp Đà Lạt phát triển đồng bộ, một phương án giúp Đà Lạt đến gần mọi người hơn nhưng không mất đi những giá trị vốn dĩ.
Vì, thật lòng, chẳng một ai mong muốn sẽ mất đi một “thành phố buồn” hay lặng nhìn những nét đẹp bản thân đã từng nâng niu ấy trở thành quá vãng.
Bài viết theo quan điểm cá nhân của Admin: Nguyễn Kim Yến
___________________________________________________________________________________________
Comments