1. Làng Bình An
Làng Bình An giống như một chốn trong mơ, điểm đến thú vị mà du khách đến với Đà Lạt không thể không ghé qua. Ngôi làng với những biệt thự, những căn nhà theo kiến trúc cổ điển Pháp đem lại không gian vừa Tây vừa lãng mạn cho nơi này. Ngôi làng này tựa như một ốc đảo nằm lạc lõng giữa thiên nhiên tươi đẹp và thanh bình của rừng thông xanh mát cùng hồ nước mênh mông.
Cảnh quan đẹp không kém những câu chuyện cổ tích với ngôi nhà cổ điển, những thảm cỏ xanh ngút, những lối đi rải sỏi, những loài hoa mọc khắp lối qua, những hàng thông in bóng xuống mặt hồ xanh ngắt – nơi đây đẹp tựa hồ bước ra từ một câu chuyện thần tiên nào đó rất nên thơ mà du khách sẽ không thể nào quên được.
Bao quanh nơi đây rừng thông xanh ngát trải dài đến tận mặt nước hồ, không gian tĩnh lặng nghe được cả tiếng chim hót cùng không khí trong lành mát mẻ của Đà Lạt có thể sẽ khiến bạn chẳng muốn rời chân.
2. Làng Đất Sét
"Ngôi làng đất sét" nằm trong khu du lịch Hồ Tuyền Lâm, rộng khoảng 90m² là công trình của anh Trịnh Bá Dũng, còn được người dân Đà Lạt gọi là "đại gia điên khùng và lì lợm". Kiến trúc lạ mắt này hiện là sản phẩm mới của du lịch Đà Lạt, thu hút hàng chục ngàn lượt du khách gần xa.
Sau 4 năm mày mò nghiên cứu, đến năm 2008, anh Dũng đã tìm ra công thức làm cứng đất (pha đất đỏ bazan với một số phụ gia) và cho ra đời ngôi làng này. Trong ngôi làng, nổi bật nhất chính là ngôi nhà đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận 2 kỷ lục: ngôi nhà bằng đất đỏ bazan không nung có mái đắp nổi hình bản đồ Việt Nam đầu tiên và có diện tích lớn nhất; ngôi nhà đất đỏ bazan không nung đầu tiên và có phong cách độc đáo nhất.
Điều hấp dẫn du khách ghé thăm khu du lịch này là vì nó tái hiện về lịch sử thành phố Đà Lạt từ thuở ban sơ cho tới một Đà Lạt năng động và hiện đại như bây giờ.
Chuyến khám phá đường hầm đất sét độc đáo này bắt đầu từ đầu con rồng và điểm kết thúc là đuôi của nó. Vừa bước vào cổng khu du lịch mọi người sẽ thấy một con rồng khổng lồ nơi mà bất cứ du khách nào cũng muốn chụp một vài kiểu ảnh để làm kỷ niệm và khoe với bạn bè.
3. Làng Cù Lần
Làng Cù Lần nằm dưới chân núi Lang Biang (Đà Lạt), cách Hồ Xuân Hương và Đồi Cù 20 km. Làng rộng khoảng 30 ha, là nơi sinh sống của người dân K’ho. Ngôi làng nhỏ xinh này được lấy tên từ một loài cây cù lần mọc xen kẽ ở núi rừng nơi đây, đồng thời cũng xuất phát từ con cù lần – loài động vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ.
Nếu như chỉ nhìn ngang qua cổng làng, bạn thường sẽ thất vọng vì cảm giác không có gì thú vị để khám phá. Nhưng càng đi sâu vào trong, du khách sẽ cảm thấy yêu mến với nét bình dị, mộc mạc, hoang sơ với những mảng màu xanh mướt mà thiên nhiên mang tặng cho nơi đây.
Muốn vào làng Cù Lần, bạn sẽ phải đi qua hai cây cầu treo bắc ngang dòng suối nhỏ thơ mộng, cảnh vật hai bên bờ hiện ra như trong tranh. Đây là địa điểm mà mọi du khách đều dừng lại để check-in. Tại đây, khách du lịch chủ yếu tham gia các hoạt động ngoài trời, hòa mình với thiên nhiên hay tham gia các hoạt động teambuilding như: thả diều, săn gà rừng, bắt cá suối, leo núi, chèo bè…
Ngoài không gian yên tĩnh, thơ mộng với những sắc màu xanh mướt của núi rừng, làng Cù Lần còn hấp dẫn du khách bởi những con đường nhỏ phủ đầy sắc hoa vào mùa xuân và mùa thu.
4. Làng Thần Kỳ
Làng Thần Kỳ nằm ở thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) là một ngôi làng “lạ huắc lạ huơ” ở Đà Lạt mà rất ít người biết đến. Thật ra đây là ngôi làng trồng rau xà lách sạch được áp dụng theo công nghệ nổi tiếng của làng Kawakami Mura, huyện Minamisaku, tỉnh Nagano Nhật Bản. Ngôi làng Kawakami Mura được người dân Nhật gọi bằng tên “Làng thần kỳ’’. Nơi đây từng là vùng đất đai cằn cỗi, nghèo nhất nước Nhật vào thập niên 60-70 của thế kỷ 20. Chỉ nhờ trồng rau xà lách, Kawakami Mura ngày nay được xem như ngôi làng giàu có nhất nước.
Ngoài loại rau cà lách giống Mỹ chủ đạo, ở đây còn trồng thêm nhiều loại rau sạch khác. Đến đây bạn sẽ choáng ngợp với những luống rau xanh trải dài hàng chục héc- ta, thả ga chụp tự sướng cũng như tận mắt xem người nông dân chăm sóc và thu hoạch rau.
______________________________________________________________________________________________________________________________________
Comments